Phát huy thế mạnh y học cổ truyền

Cùng với sự phát triển của nền y học hiện đại, phương pháp khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền (YHCT) ngày càng phát triển ở nước ta và mang lại hiệu quả tích cực không hề thua kém tây y.
26/11/2020 07:10
ThS.BS Nguyễn Văn Đàn thực hiện phương pháp nhĩ châm cho bệnh nhân bị nhức mỏi. Ảnh: MINH NAM

Lành tính, ít phản ứng phụ

Hai tuần trước, ông Nguyễn Văn Mỹ (63 tuổi, ngụ tại quận 12, TPHCM) đến điều trị di chứng tai biến mạch máu não tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Thống Nhất trong tình trạng đau liệt nửa thân trái. Sau thời gian điều trị, ông Mỹ nhận được cho xuất viện vì bệnh tình thuyên giảm đáng kể. “Hiện tại nửa người trái của tôi đã giảm đau, tôi có thể cầm nắm những vật nhẹ và đi đứng mà không cần ai dìu. Sau khi xuất viện tôi vẫn tiếp tục tập vật lý trị liệu và uống thuốc đông y để khỏe hơn”, ông Mỹ hào hứng chia sẻ. Hàng ngày, ngoài uống thuốc đông y, ông Mỹ còn được chữa bệnh bằng phương pháp châm cứu, xông hơi.

Cũng bị đau liệt nửa thân dưới do di chứng tai biến, bà Nguyễn Tuyết Nhung (67 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) cũng chọn YHCT để điều trị bệnh của mình. Bà Nhung cho biết, từ lúc phát bệnh đến nay cô chỉ chọn chữa trị theo YHCT. “Uống thuốc tây nhiều thì nóng lắm, người trẻ uống được chứ tôi uống lâu dài cũng không tốt cho gan, thận. 2 năm nay từ khi phát bệnh, tôi chỉ uống thuốc đông y và xoa bóp, bấm huyệt, xông hơi… tại Trung tâm Y tế phường 9 quận 3 và về nhà tập thêm vật lý trị liệu. Nhờ vậy mà giờ người tôi nhẹ nhàng hẳn, tay cầm nắm được vật nhẹ và đang tập đi bằng gậy. Điều trị lâu dài thì YHCT hợp túi tiền của tôi hơn”, cô Nhung bày tỏ.

Đặc biệt nhất, là trường hợp của bé B.H. (5 tuổi, ngụ tại quận 2), do bị ngộp lúc chào đời nên B.H. bị bại não, không phát triển vận động, gần 5 tuổi nhưng bé không biết lật, nằm bất động. Gia đình đưa bé đi điều trị ở nhiều nơi nhưng không khỏi. Biết Bệnh viện Quận 2 có chữa bệnh bại não bằng YHCT nên gia đình đưa bé đến điều trị. Sau khoảng 10 tháng điều trị, bé B.H. đã biết lật, ngồi và bò. “Cứ 2, 3 tuần một lần, gia đình đưa bé đến thực hiện cấy chỉ. Và đều đặn mỗi ngày bé đến đây xoa bóp, bấm huyệt để kích thích thần kinh cơ. Chỉ áp dụng các thủ thuật này, hiện chẳng những bé đã có phản ứng tốt về vận động mà còn rất tinh nghịch”, ThS.BS Nguyễn Thị Tuyết Nga, Trưởng khoa Y Dược cổ truyền, Bệnh viện Quận 2 chia sẻ.

Theo lương y Musa Hanipha, Phó Chủ tịch thường trực Hội Đông y quận 5, không chỉ các nước châu Á, mà thế giới đã bắt đầu xu hướng “trở về với tự nhiên” qua việc sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc thiên nhiên hay các phương pháp điều trị của đông y để dự phòng, chữa trị bệnh.

“Nếu như thế mạnh của tây y là sử dụng các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại giúp bác sĩ chẩn đoán đúng bệnh và điều trị những trường hợp cấp tính thì đông y lại mang đến hiệu quả đối với những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính hoặc di chứng do tai biến để lại. Sau nhiều năm vận dụng và nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng tuy chữa bệnh theo đông y thời gian khỏi bệnh có tiến triển chậm, nhưng khi khỏi bệnh thì tỷ lệ tái phát rất thấp. Đặc biệt, lợi thế lớn nhất của đông dược là ít gây ra phản ứng phụ, người bệnh có thể yên tâm điều trị lâu dài”, lương y Musa Hanipha chia sẻ thêm.

Kết hợp hoàn hảo đông - tây y

Theo BS Nguyễn Văn Đàn, phụ trách Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Thống Nhất, việc điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp đông - tây y kết hợp mang lại hiệu quả cao. Thực tế, đông - tây y kết hợp là việc áp dụng song song y học hiện đại và YHCT để điều trị cho bệnh nhân. Cụ thể, y học hiện đại sẽ đảm nhận vai trò cận lâm sàng (siêu âm, X-quang, CT…) và sau đó bệnh nhân sẽ được chẩn đoán, điều trị bằng YHCT. Như vậy sẽ giúp nâng cao tính an toàn, hiệu quả của điều trị bệnh bằng phương pháp YHCT. Chẳng hạn, đối với những bệnh như di chứng do tai biến mạch máu não, bại não… người bệnh sẽ được điều trị căn nguyên của bệnh theo y học hiện đại. Sau đó, họ sẽ được điều trị bằng các biện pháp YHCT không dùng thuốc như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt… Việc này sẽ giúp hạn chế tác dụng phụ của thuốc đặc trị, góp phần nâng cao chất lượng sống của bệnh nhân.

“Để thực hiện kết hợp đông - tây y có hiệu quả thì cần có sự phối hợp nhịp nhàng của y bác sĩ YHCT và y học hiện đại trong công tác thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh cho bệnh nhân. Cần tổ chức nhiều buổi hội thảo, hội chẩn để giúp hiểu hơn về phương pháp điều trị của nhau”, bác sĩ Nguyễn Văn Đàn nói.

Theo PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, kết hợp đông - tây y là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. “Muốn thực hiện đông - tây y kết hợp thì phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho YHCT phát triển, trang bị đầy đủ kiến thức và trang thiết bị cho ngành YHCT. Tận dụng các thế mạnh của YHCT để phối hợp với y học hiện đại điều trị các bệnh mãn tính. Chúng ta phải tìm nguồn dược liệu chất lượng cao, xây dựng và chuẩn hóa các phác đồ điều trị phối hợp đông - tây y. Đẩy mạnh phát triển mô hình viện - trường để tận dụng sức mạnh của bộ môn YHCT trong công tác đào tạo đội ngũ nhân lực”, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh chia sẻ.

Khoa YHCT, Đại học Y Dược TPHCM vừa tổ chức Hội nghị Khoa học kỹ thuật và Đào tạo liên tục YHCT năm 2020 với chủ đề “Cập nhật chẩn đoán và điều trị viêm mũi xoang bằng y học hiện đại kết hợp YHCT”. Đây là diễn đàn khoa học uy tín, được tổ chức thường niên dành cho các bác sĩ chuyên khoa YHCT, Tai mũi họng và y học gia đình nhằm cập nhật nhiều kiến thức mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý thường gặp. Hội nghị thu hút khoảng 500 đại biểu tham dự với 8 báo cáo đến từ các chuyên gia trong lĩnh vực tai, mũi, họng tại Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Điểm nhấn của hội nghị năm nay là các báo cáo của những chuyên gia đầu ngành tại Việt Nam và trên thế giới ở lĩnh vực YHCT, các lĩnh vực chuyên sâu trong điều trị các bệnh lý tai, mũi, họng.

Theo Kim Huyền - Sài Gòn giải phóng

Tin cùng chuyên mục

Những điều cần biết về bệnh xơ gan

Những điều cần biết về bệnh xơ gan

Bệnh Xơ gan có ngăn chặn được không và điều trị như thế nào? Đây là câu hỏi nhiều bệnh nhân thắc mắc khi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Thống Nhất.

19/03/2021 10:46

Câu hỏi thường gặp về viêm phổi ở người cao tuổi

Câu hỏi thường gặp về viêm phổi ở người cao tuổi

Trong thời gian vừa qua, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận nhiều trường hợp người cao tuổi nhập viện liên quan đến hô hấp trong đó bệnh viêm phổi chiếm tỷ lệ cao, hầu hết bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân chưa nắm rõ các triệu chứng để phát hiện và đưa đến bệnh viện sớm.

26/02/2021 22:59

Hướng dẫn cách phòng ngừa hít sặc do ăn uống

Hướng dẫn cách phòng ngừa hít sặc do ăn uống

Sáng 26/1, Bệnh viện Thống Nhất đã tổ chức chương trình truyền thông cộng đồng "Phòng ngừa hít sặc" với mục đích Truyền thông về tác hại của hít sặc đến sức khỏe của người bệnh, người cao tuổi và người có rối loạn nuốt...

26/01/2021 15:28

Báo động đỏ tình trạng tự ý dùng thuốc kháng sinh

Báo động đỏ tình trạng tự ý dùng thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh được coi là một giải pháp trong điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn. Nhờ có thuốc kháng sinh mà chúng ta có thể kiểm soát được nhiều dịch bệnh.

24/01/2021 23:57

Xem tiếp tin tức cùng chuyên mục

THỜI GIAN KHÁM BỆNH TẠI BỆNH VIỆN THỐNG NHẤT

  • Thứ 2 - Thứ 6: Sáng: 7h00 -11h30 | Chiều: 13h00 -16h30
  • Thứ 7: Sáng: 7h00 - 11h30 (Khám ở khu Dịch vụ) | Chiều: 13h00 - 16h30(Có nhận khám cho đối tượng BHYT)
  • Chủ nhật: Nghỉ

Đăng kí hẹn giờ khám: Gọi tổng đài 028.1080 (chỉ áp dụng cho hình thức khám bảo hiểm y tế cán bộ).

Các chuyên khoa

1900 2345 47

1900 63 61 95