ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên: Huyết áp thấp khi nào cần điều trị?

Huyết áp thấp là căn bệnh phổ biến, và có thể gây ra những nguy hiểm như đột quỵ hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng tới tim mạch... ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên - Phó trưởng khoa Nội Tim mạch sẽ giải đáp những thông tin quanh bệnh lý này, mời bạn đọc tham khảo.
21/07/2020 00:00

Huyết áp thấp là gì?

Huyết áp như thế nào là thấp, thưa BS? Dân gian cho rằng người hay chóng mặt, hoặc hay choáng váng lúc đứng lên ngồi xuống là do huyết áp thấp,theo BS điều này có đúng không ạ?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời:

Huyết áp là áp lực trong lòng mạch máu để tim bơm máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể. Huyết áp có 2 chỉ số: huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu là áp lực động mạch khi tim bơm máu đi, huyết áp tâm trương là áp lực trong động mạch giữa 2 kỳ co bóp của tim.

Huyết áp thấp là khi huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương nhỏ hơn 60mmHg.



Huyết áp thấp đôi khi không có triệu chứng gì, và từ những triệu chứng nhẹ như đau đầu, chóng váng, chóng mặt cho đến nặng hơn như bệnh nhân có thể ngất, hoặc hôn mê.

Khi một người đứng lên ngồi xuống choáng váng, chóng mặt cũng có thể do huyết áp thấp, lúc này cần phải đo huyết áp ở tư thế nằm và tư thế đứng. nếu huyết áp tâm thu từ 20mmHg trở lên và huyết áp tâm trương giảm từ 10mmHg trở lên thì gọi là hạ huyết áp tư thế.


Xin BS cho biết những nguyên nhân nào gây ra huyết áp thấp? Với những người lúc nào đo huyết áp cũng cho kết quả huyết áp thấp, mặc dù không bị bệnh gì thì có phải do di truyền không ạ?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời:

Huyết áp thấp do nhiều nguyên nhân gây ra. Đầu tiên là do không đủ thể tích trong lòng mạch máu. Không thể thể tích có thể là do bệnh nhân thiếu máu, và thiếu máu cũng có thể do nhiều nguyên nhân, có thể mất máu, chảy máu, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang trong kỳ kinh, hoặc một chấn thương gây mất máu.

Giảm thể tích cũng có thể do bệnh nhân mất nước do sốt cao, ói mửa, tiêu chảy, hoặc bệnh nhân ăn uống kém, thiếu nước; hoặc vận động quá nhiều gây toát mồ hôi và gây mất nước.

Thứ hai, do một số thuốc hạ áp hoặc các loại thuốc gây hạ huyết áp tư thế hay hạ huyết áp.

Thứ ba, một số bệnh lý về tim mạch như suy tim, rối loạn nhịp tim, bệnh lý nội tiết như tiểu đường, hạ đường huyết, suy giáp…

Chưa có bằng chứng cụ thể nào nói về mối liên hệ về di truyền và huyết áp thấp, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy huyết áp thấp có yếu tố gia đình.


Nhờ BS hướng dẫn cách phân biệt triệu chứng của huyết áp thấp với những tình trạng: hạ đường huyết, cơn thiếu máu não thoáng qua?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời:

Thường bệnh nhân huyết áp thấp cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, thiếu tập trung, mờ mắt, buồn nôn, da nhợt nhạt, tái xanh, nhịp thở khi nhanh khi nông, bệnh nhân có thể mệt mỏi, trầm cảm, nhiều bệnh nhân có cảm giác khát, thậm chí có thể ngất. Đây là những triệu chứng của huyết áp thấp.

Thỉnh thoảng, huyết áp thấp có thể lồng ghép với cơn hạ đường huyết. Cơn hạ đường huyết thường xảy ra ở bệnh nhân nhịn đói lâu ngày, ăn uống kém, bệnh nhân tiểu đường dùng thuốc không ăn uống. Triệu chứng hạ đường huyết gồm có: bệnh nhân cảm giác đói, run rẩy, đổ mồ hôi, chóng mặt, tim đập mạnh, đánh trống ngực, lờ đờ, buồn ngủ; trường hợp nặng bệnh nhân có thể mất ý thức và hôn mê.

Huyết áp thấp cũng có thể nhầm lẫn với cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua thường xảy ra ở bệnh nhân có tiền căn lớn tuổi, tăng huyết áp. Các triệu chứng gồm có: mù thoáng qua, yếu nửa người, rối loạn cảm giác, có thể có yếu liệt nhưng sau đó sẽ hồi phục trong vòng khoảng 20 phút và trong 24h có thể phục hồi hoàn toàn.


Nhiều người bệnh bị huyết áp thấp thường có chung những biểu hiện bên ngoài như mệt mỏi, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu...


Những biến chứng của huyết áp thấp

Người bẩm sinh bị huyết áp thấp thường có nguy cơ đưa đến bệnh tim mạch nào không, thưa BS?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời:

Bệnh nhân huyết áp thấp cần tới bác sĩ thăm khám về tim mạch và các cơ quan khác, làm thêm một số xét nghiệm cùng các chẩn đoán hình ảnh để xá định nguyên nhân gây hạ huyết áp và nghĩ tới liệu có ảnh hưởng nghiêm trọng và gây biến chứng gì.

Nếu bệnh nhân huyết áp thấp không triệu chứng thường không đến bác sĩ và được phát hiện tình cờ khi thăm khám sức khỏe, lúc này bác sĩ mới triểu khai các xét nghiệm tìm nguyên nhân.

Thông thường bệnh nhân thường có rối loạn về tim mạch như rối loạn nhịp tim, như nhịp chậm và có cơn huyết áp thấp, bệnh nhân bị suy tim, hoặc bệnh nhân bị mệt mỏi, lờ đờ, chán ăn, nhịp  tim chậm, huyết áp thấp. Bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân và có hướng xử trí thích hợp.

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên - Phó trưởng khoa Nội Tim mạch - Bệnh viện Thống Nhất

Người bị huyết áp thấp có dễ bị đột quỵ không ạ? Đột quỵ ở người huyết áp thấp có phải là ít nguy hiểm hơn so với người huyết áp cao?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời:

Ở người huyết áp thấp, lượng máu nuôi não và các cơ quan khác giảm hơn. Huyết áp thấp bệnh lý có các biên chứng như huyết áp quá thấp có thể dẫn tới các cơn thiếu máu não,và có thể gây đột quỵ.

Bệnh nhân huyết áp thấp và huyết áp cao, nguy cơ đột quỵ nặng hơn hay nhẹ hơn không biết được, vì tùy vào tổn thương bác sĩ mới đánh giá và xác dịnh được bệnh nhân nặng hay nhẹ.


Điều trị huyết áp thấp như thế nào?

Xin BS cho biết huyết áp thấp khi nào cần điều trị? Điều trị bằng những phương pháp nào ạ?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời:

Như đã nói, huyết áp thấp ở trên người bình thường không có triệu chứng thường không đến bác sĩ, và đến bác sĩ khi đã có triệu chứng nào đó, lúc này bác sĩ sẽ xem xét việc điều trị.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ triển khai làm các xét nghiệm cận lâm sàng, và các phương pháp chẩn đoán khác để xác định huyết áp thấp đó có nguyên nhân tổn thương cơ quan nào đó hay không, và triển khai việc điều trị.

Khi điều trị, bệnh nhân không dùng thuốc mà cần uống đủ nước (trung bình 2l/ ngày); ăn uống đủ các chất dinh dưỡng, đảm bảo không bị thiếu chất; ăn tăng lượng muối (10-15g/ ngày); không nên ăn quá no mà nên chia nhỏ bữa ăn; không nên ăn thực phẩm giàu carbohydrat, ăn nhiều rau xanh, trái cây.

Bệnh nhân nên tập thể dục với các động tác nhẹ nhàng như đi bộ, tránh các động tác mạnh, tăng áp lực trong lồng ngực hay gắng sức. Nếu hạ huyết áp tư thế nên tập đứng dựa tường, mỗi lần đứng từ 5-10 phút và tăng lên từ từ.

Sau biện pháp không dùng thuốc bác sĩ sẽ xem xét có nên cho bệnh nhân dùng thuốc hay không. Trước khi cho dùng thuốc bác sĩ sẽ cân nhắc các triệu chứng, chẩn đoán nguyên nhân để điều trị nguyên nhân.

Bệnh nhân huyết áp thấp cần bổ sung đủ nước

Với những người có huyết áp thấp mà chưa cần điều trị, để cải thiện tình trạng này, có phải họ cứ làm ngược lại những lời khuyên dành cho người huyết áp cao là được?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời:

Người huyết áp cao điều trị như thế nào thì bệnh nhân huyết áp thấp điều trị ngược lại là sai. Mỗi bệnh lý có cơ chế và triệu chứng khác nhau, và điều trị theo bệnh lý đó, không có chuyện từ bệnh lý này suy ra điều trị bệnh kia là không đúng.

Ví dụ, với bệnh nhân huyết áp cao, bác sĩ khuyên không ăn quá nhiều chất béo gây xơ vữa mạch máu và tăng cholesterol. Đối với bệnh nhân huyết áp thấp, nếu khuyến khích ăn nhiều chất béo thì tăng cholesterol và xơ vữa động mạch, gây ra các bệnh lý tim mạch.

Hoặc, bệnh nhân huyết áp cao nên ăn nhạt, thì với bệnh nhân huyết áp thấp nên ăn mặn hơn một chút, chứ không thể nào bệnh nhân huyết áp thấp cũng phải ăn nhạt, điều này làm cho bệnh nhân thiếu muối. Bệnh nhân huyết áp thấp thiếu nước thiếu muối, nếu ăn nhạt sẽ gây huyết áp quá thấp.

Hoạt động thể dục có thể giống nhau một chút, chứ không hẳn phải ngược lại. Bệnh nhân huyết áp cao nên tập vừa phải, nhẹ nhàng, huyết áp thấp cũng nên như vậy, chứ không phải bệnh nhân huyết áp thấp phải tập các hoạt động mạnh là không đúng.

BS Mỹ Liên cho biết huyết áp thấp, có thể gây ngất xỉu hoặc chóng mặt vì não không nhận được đủ máu.


Chế độ dinh dưỡng và luyện tập cho người huyết áp thấp

Theo BS người huyết áp thấp nên có chế độ dinh dưỡng như thế nào và nên lựa chọn những môn thể dục - thể thao nào?

ThS.BS Trần Thị Mỹ Liên trả lời:

Thứ nhất, bệnh nhân phải uống đủ nước, hạn chế bia rượu, ăn uống lành mạnh, bổ sung đa dạng các loại thực phẩm, rau củ, trái cây, không ăn quá nhạt.

Thứ hai, bệnh nhân có thể chia nhỏ các bữa ăn và không nên ăn thực phẩm giàu carbohydrat như khoai tây, gạo, bánh mì, mì ống; bổ sung các thức ăn giàu đạm như thịt, cá trong mỗi bữa ăn, tăng cường ăn trứng, đậu tương, các loại rau củ bổ sung vitamin, chất xơ, chất khoáng.

Thứ ba, bệnh nhân có thể uống các loại nước có tác dụng tăng huyết áp như trà sâm, trà gừng, cà phê. Không nên ăn thức ăn, nước uống có tác dụng lợi tiểu như nước râu ngô…

Quan trọng là bệnh nhân có thể ăn mặn hơn một chút, chú ý chế độ sinh hoạt điều độ, ngủ đủ giấc.

Bệnh nhân huyết áp thấp dễ bị hoa mắt, chóng mặt, do đó nên đi đứng cẩn thận; khi đổi tư thế từ nằm qua ngồi hay từ ngồi sang đứng lên thì nên từ từ và có bước đệm trước khi thay đổi tư thế.

Luyện tập thể dục thể thao, mỗi ngày nên tập ít nhất từ 10-15 phút với các môn tập nhẹ nhàng như đi bộ, chơi bóng bàn, bơi lội, tránh các môn thể thao nặng và vận động gắng sức quá mức.

Cuối cùng bệnh nhân cần giữ tâm hồn lạc quan, vui vẻ, tránh các stress, lo lắng, căng thẳng không tốt cho bệnh lý.

Theo Kênh truyền thông Sức khỏe AloBacsi.com

Tin cùng chuyên mục

Những điều cần biết về bệnh xơ gan

Những điều cần biết về bệnh xơ gan

Bệnh Xơ gan có ngăn chặn được không và điều trị như thế nào? Đây là câu hỏi nhiều bệnh nhân thắc mắc khi đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Thống Nhất.

19/03/2021 10:46

Câu hỏi thường gặp về viêm phổi ở người cao tuổi

Câu hỏi thường gặp về viêm phổi ở người cao tuổi

Trong thời gian vừa qua, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận nhiều trường hợp người cao tuổi nhập viện liên quan đến hô hấp trong đó bệnh viêm phổi chiếm tỷ lệ cao, hầu hết bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân chưa nắm rõ các triệu chứng để phát hiện và đưa đến bệnh viện sớm.

26/02/2021 22:59

Hướng dẫn cách phòng ngừa hít sặc do ăn uống

Hướng dẫn cách phòng ngừa hít sặc do ăn uống

Sáng 26/1, Bệnh viện Thống Nhất đã tổ chức chương trình truyền thông cộng đồng "Phòng ngừa hít sặc" với mục đích Truyền thông về tác hại của hít sặc đến sức khỏe của người bệnh, người cao tuổi và người có rối loạn nuốt...

26/01/2021 15:28

Báo động đỏ tình trạng tự ý dùng thuốc kháng sinh

Báo động đỏ tình trạng tự ý dùng thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh được coi là một giải pháp trong điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn. Nhờ có thuốc kháng sinh mà chúng ta có thể kiểm soát được nhiều dịch bệnh.

24/01/2021 23:57

Xem tiếp tin tức cùng chuyên mục

THỜI GIAN KHÁM BỆNH TẠI BỆNH VIỆN THỐNG NHẤT

  • Thứ 2 - Thứ 6: Sáng: 7h00 -11h30 | Chiều: 13h00 -16h30
  • Thứ 7: Sáng: 7h00 - 11h30 (Khám ở khu Dịch vụ) | Chiều: 13h00 - 16h30(Có nhận khám cho đối tượng BHYT)
  • Chủ nhật: Nghỉ

Đăng kí hẹn giờ khám: Gọi tổng đài 028.1080 (chỉ áp dụng cho hình thức khám bảo hiểm y tế cán bộ).

Các chuyên khoa

1900 2345 47

1900 63 61 95