Tìm kiếm
Close this search box.

Năm 2030, trong 10 người sẽ có 3-4 người bị gan nhiễm mỡ liên quan rối loạn chuyển hóa

Mục lục

PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường nhấn mạnh, tần suất mắc gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa tại châu Á không thua kém các nước phát triển như Mỹ, châu Âu. Trong khi đó, đặc trưng bệnh lý này có thể đưa đến ung thư ngay từ giai đoạn F1, F2 mà không nhất thiết phải trải qua giai đoạn xơ gan.

MASLD làm tăng gấp 20 lần nguy cơ mắc ung thư đại tràng, ảnh hưởng từ gan đến thận, tim mạch

Những năm vừa qua đã có nhiều cập nhật, hướng dẫn mới của các tổ chức, hiệp hội trên thế giới liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ. Một trong số đó là 70 quốc gia thống nhất đổi tên bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) thành bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa (MASLD).

hoi nghi bv thong nhat 1

Trưởng khoa Y – Trưởng Bộ môn Nội Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cho biết, MASLD là một trong những bệnh đồng mắc thường gặp nhất trong bệnh lý tim mạch. Một nghiên cứu trên cỡ mẫu rất lớn, với gần 8 tỷ người từ năm 2009 cho thấy, mức độ gan nhiễm càng cao càng làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim (bất kể có đái tháo đường hay không). Tương tự, nguy cơ đột quỵ, thiếu máu cũng như tử vong cũng gia tăng theo mức độ gan nhiễm mỡ. “Gan nhiễm mỡ là một yếu tố nguy cơ có độ mạnh trong dự đoán bệnh lý tim mạch rất cao” -chuyên gia đề cập.

Đáng chú ý, tần suất mắc MASLD tại các nước châu Á (như Singpapore, Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản…) không hề kém cạnh Mỹ hay châu Âu. Dự kiến đến năm 2030, tần suất mắc MASLD có thể lên đến 30-35%, nghĩa là trong 10 người sẽ có 3-4 người mắc bệnh, theo chuyên gia.

MASLD không chỉ đưa đến các hậu quả liên quan đến gan (F1, F2, F3 và xơ gan, ung thư gan) mà còn tác động đến rất nhiều bệnh lý ngoài gan (đứng đầu là bệnh lý tim mạch, thận mạn, hội chứng ngưng thở khi ngủ, nội tiết, ung thư). Hiện nay, MASLD là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan trên toàn thế giới. Đặc biệt, MASLD sẽ làm tăng gấp 20 lần nguy cơ mắc ung thư đại tràng so với những người không mắc bệnh, PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường cho biết.

Tiếp cận và điều trị MASLD

Chuyên gia nhấn mạnh, mặc dù bệnh gan nhiễm mỡ hiện nay có nhiều tên gọi nhưng tựu chung lại là bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến chuyển hóa. Mỗi tên gọi sẽ có một tiêu chuẩn khác nhau, song hướng tiếp cận vẫn bao gồm xác định yếu tố nguy cơ tim mạchmức độ sử dụng rượubệnh gan khác đi kèm (viêm gan B, viêm gan C, viêm gan do rượu, viêm gan tự miễn), mức độ nhiễm mỡ (có liên quan mật thiết với mức độ tim mạch, nhồi máu, đột quỵ và nguy cơ tử vong), mức độ xơ hóa (liên quan trực tiếp tới ung thư gan).

pgs ts tran thi khanh tuong
PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường – Trưởng khoa Y – Trưởng Bộ môn Nội Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Hiện, chúng ta có đầy đủ phương tiện để đánh giá mức độ nhiễm mỡ và mức độ xơ hóa. Về điều trị, can thiệp lối sống vẫn là nền tảng, đồng thời phải điều trị các rối loạn chuyển hóa và kiểm soát các yếu tố nguy cơ tim mạch; giảm mỡ, viêm, xơ hóa gan.

Trong đó, yếu tố nguy cơ đứng hàng đầu là béo phì. Các biện pháp can thiệp bao gồm áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải, vận động ít nhất 150 phút/ tuần, đồng thời phải giảm cân. Mỗi mức độ giảm cân sẽ cải thiện vấn đề về gan, nếu giảm trên 3% sẽ cải thiện nhiễm mỡ, trên 5% – 7% cải thiện tình trạng viêm, trên 10% mới cải thiện được tình trạng xơ hóa. “Mức độ này cũng áp dụng trên cả người gầy. Việc giảm cân vẫn có lợi trên cả người gầy, nhưng cần lưu ý đó là giảm mỡ và tăng cơ” – PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường cho biết.

Song song đó, quản lý các yếu tố nguy cơ tim mạch là số 1 ở bệnh nhân MASLD. Khi phát hiện bệnh gan nhiễm mỡ phải tầm soát nguy cơ tim mạch. Ngoài ra, cần phối hợp với các bác sĩ Tim mạch để hướng dẫn bệnh nhân về vấn đề tiêu thụ rượu, sinh hoạt (vận động, ăn uống, bỏ thuốc lá)…

Cùng với đó là hạ mỡ máu (đứng đầu là statin), điều trị huyết áp (hàng đầu là ức chế thụ thể, ức chế men chuyển). Đồng thời kiểm soát đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường bằng metformin, GLP-1, SGTL-2. Chuyên gia lý giải, chỉ có những thuốc này tác động lên được vấn đề nhiễm mỡ của gan, các loại thuốc khác hoặc chích insulin hầu như không hiệu quả.

PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường bày tỏ, về vấn đề kiểm soát xơ hóa, Resmetirom thuốc đầu tiên được FDA phê duyệt để điều trị xơ hóa gan từ trung bình đến nặng trên bệnh nhân viêm gan nhiễm mỡ liên quan đến rối loạn chuyển hóa – MASH (trước đây gọi là viêm gan nhiễm mỡ không do rượu – NASH). Thuốc đã có mặt tại một số quốc gia, tuy nhiên chưa có ở Việt Nam.

Do vậy, hiện nay việc kiểm soát xơ hóa chủ yếu là can thiệp giảm cân. Một nghiên cứu chỉ ra, cà phê, trà cũng cho thấy hiệu quả trong việc giảm nguy cơ xơ hóa, xơ gan trên bệnh nhân MASLD đã được chẩn đoán. Về vấn đề giảm viêm, vitamin E, Pioglitazone đều cho thấy vai trò.

Một vấn đề được chuyên gia đề cập đó là MASLD sẽ gây tăng Ferritin rất dữ dội. Song, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, Metformin bên cạnh việc giảm nguy cơ ung thư gan còn giúp giảm tình trạng quá tải sắt. Đây là điều quan trọng có thể áp dụng trên lâm sàng, PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường nói.

hoi nghi bv thong nhat 2
Các báo cáo viên nhận thư cảm ơn, chứng nhận từ Bệnh viện Thống Nhất