Nữ sinh 18 tuổi nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở do Hội chứng QT dài, đã may mắn được Bệnh viện Thống Nhất hồi sinh.
Ngày 5/3, TS.BS Trương Quang Khanh, Trưởng khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho 4 bệnh nhân rối loạn nhịp, trong đó có 1 bệnh nhân nữ 18 tuổi là học sinh cấp 3. Bệnh nhân nữ này nhập viện vì ngưng tim, ngưng thở.
Ngày 5/3, TS.BS Trương Quang Khanh, Trưởng khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho 4 bệnh nhân rối loạn nhịp, trong đó có 1 bệnh nhân nữ 18 tuổi là học sinh cấp 3. Bệnh nhân nữ này nhập viện vì ngưng tim, ngưng thở.
Trước khi nhập viện, bệnh nhân đang tập văn nghệ thì cảm thấy chóng mặt, hoa mắt, ngã gục xuống và toàn thân bị co giật, sau đó được sơ cứu tại trường và chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất.
TS.BS Trương Quang Khanh cho biết, may mắn, bệnh nhân được sơ cứu ấn tim ngoài lồng ngực và chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất kịp thời. Khi nhập viện, bệnh nhân đã hôn mê và đồng tử giãn. Nếu chậm trễ thì bệnh nhân sẽ bị chết não, không thể cứu được nữa.
Sau khi tiếp nhận, bệnh nhân được các bác sĩ hồi sinh tim phổi nâng cao, áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt và dần qua cơn nguy kịch, các chỉ số sinh hiệu dần ổn định. Sau 2 ngày điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Khoa Nhịp Tim, bệnh nhân hồi phục ngoạn mục và được xuất viện điều trị.
Trong 3 ca nhập viện điều trị còn lại, có 2 ca là bệnh nhân lớn tuổi (72 tuổi, 94 tuổi) có biểu hiệu lâm sàng là mệt, chóng mặt, kém linh hoạt so với thường ngày và 1 ca là bệnh nhân nam 42 tuổi bị những cơn mất ý thức, co giật.
Từ những ca bệnh nêu trên, TS.BS Trương Quang Khanh cảnh báo vấn đề rối loạn nhịp do hội chứng QT dài khiến bệnh nhân dễ bị đột tử. Dấu hiệu nhận biết của hội chứng QT dài rất đa dạng, từ không có dấu hiệu đến thoáng qua (hoa mắt, chóng mặt,…) và nặng hơn là ngất, đột tử. Nguyên nhân bệnh do bẩm sinh hoặc mắc phải do sử dụng một số thuốc.
TS.BS Trương Quang Khanh cũng khuyến cáo cần trang bị kỹ năng hồi sinh tim phổi cơ bản ở nơi tập trung đông người như trường học, trung tâm thương mại, sân bay…; Đối với trường hợp sử dụng thuốc cần theo hướng dẫn của bác sĩ; Đo điện tim định kỳ cho bệnh nhân sử dụng thuốc có khả năng gây QT dài. Đối với các trường hợp có hội chứng QT dài rõ ràng hoặc nghi ngờ cần được chuyển đến các trung tâm có chuyên khoa loạn nhịp tim để tầm soát, đánh giá nguy cơ và điều trị thích hợp.