Tìm kiếm
Close this search box.

Cứu sống bệnh nhân bị dao đâm xuyên cổ

Mục lục

NDO – Ngày 24/7, Bệnh viện Thống Nhất (Bộ Y tế) cho biết, bệnh viện đã cứu sống thành công một trường hợp đàn ông bị dao đâm thủng cổ, tiên lượng tử vong.

8246 8977.jpg
Bác sĩ Nhân thăm khám và chữa trị cho bệnh nhân.

Ngày 15/7, ông T.D.L (sinh năm 1985, quê Tây Ninh) xảy ra ẩu đả với bạn nhậu tại Ngã tư An Sương (Thành phố Hồ Chí Minh). Trong cơn tức giận có lẫn men, người bạn này bỏ đi mua dao với chủ đích giết người.

Sau khi bị đâm thấu cổ, nạn nhân loạng choạng vài bước rồi ngã khuỵu do hung thủ đã rút hung khí ra khỏi người. Bệnh nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu vết thương và được chuyển tuyến đến Bệnh viện Thống Nhất.

Sau 45 phút di chuyển, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng băng nẹp cố định vùng cổ, sốc trụy tim, tổn thương não nặng, đồng tử co nhỏ, hôn mê sâu; có vết thương ở cổ trái dài 6cm, đâm xuyên từ phía sau ra phía trước, gây đứt động mạch cảnh, phù nề, biến dạng, chèn ép khí quản, da niêm mạc. Đánh giá lâm sàng bệnh nhân đã tử vong.

Bệnh viện thực hiện quy trình báo động đỏ toàn viện, phối hợp cấp cứu khẩn cấp và di chuyển bệnh nhân vào phòng mổ. Ca phẫu thuật kéo dài 5 tiếng. Ê-kíp mổ cùng lãnh đạo khoa Tim-Mạch-Lồng ngực đã thực hiện hội chẩn tìm ra phương án nhanh nhất, tối ưu thời gian cứu sống bệnh nhân. Để kiểm soát tổn thương và cứu não trong thời gian ngắn, kíp phẫu thuật quyết định mổ đường trước bên vào ngay bao cảnh và khí quản.

Theo Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đỗ Nhân, khoa Ngoại Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Thống Nhất, bác sĩ điều trị trực tiếp ca bệnh cho biết, đây là một trong những ca khó, điển hình và hy hữu. Về mặt y học, vết thương ở tim là nơi có tỷ lệ tử vong cao, tuy nhiên, vết thương đâm thấu cổ nguy hiểm hơn với hy vọng sống sót bằng không. Ở cổ, các lớp cơ không có thành dày như tim, chỉ có lớp da bao ngoài những cơ quan quan trọng.

“Thông thường, những vết thương đâm, kỹ thuật mổ sẽ đi vào cạnh đường vết thương. Nhưng đối với trường hợp này, đường mổ sẽ đi thẳng vào động mạch cảnh, nơi mà khi hội chẩn xác định đã tổn thương và kiểm soát thật nhanh. Đó là thời gian vàng để bảo vệ não. Sau đó, kiểm soát những huyết khối không trôi về não, nếu huyết khối trôi về thì phẫu thuật thất bại” – Bác sĩ Nguyễn Đỗ Nhân cho biết.

Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Đỗ Nhân, thời gian vàng để cứu sống bệnh nhân là 30 phút đầu tiên sau khi bị tổn thương, đòi hỏi những nỗ lực sơ cứu ban đầu rất quan trọng. Phải sử dụng biện pháp băng ép cầm máu và chuyển đi thật nhanh vào bệnh viện. Kỹ thuật caro vùng cổ sẽ khác so với ở tay chân.

Hậu phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh lại sau 60 phút, tự hít thở, ngồi dậy chủ động và thực hiện đúng các y lệnh của bác sĩ. Đến nay, bệnh nhân đã dần hồi phục. Vết mổ đã khô, bệnh nhân có thể đi lại chủ động, ăn uống tốt, không còn dấu hiệu yếu liệt và chức năng vận động, tri giác đã phục hồi hoàn toàn.