1. Gãy xương ảnh hưởng như thế nào đến chức năng vận động?
Những tổn thương do gãy xương rất đa dạng với nhiều mức độ khác nhau. Đối với những trường hợp xương bị gãy dập, người bệnh có thể gặp phải nhiều tổn thương phức tạp. Lúc này, không chỉ bị gãy xương mà các cơ quan khác như gân, cơ, dây chằng hay phần mềm của người bệnh cũng bị tổn thương.Tùy những trường hợp và mức độ tổn thương, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp, chẳng hạn như bó bột hay phẫu thuật kết hợp xương bằng nhiều phương tiện khác nhau như nẹp, đinh,… và khâu lại vùng da bị tổn thương, rách, dập.
Sau khi cố định xương bằng phương pháp bó bột hay phẫu thuật, người bệnh thường không vận động ở vùng bị gãy. Điều này có thể dẫn tới tình trạng giảm cảm giác, cứng khớp, teo cơ, giảm khả năng vận động.
Đặc biệt, đối với nhiều trường hợp người cao tuổi không vận động trong suốt thời gian cố định xương do khả năng chịu đau kém. Kèm theo đó là thói quen tỳ đè trong một thời gian dài có thể dẫn đến loét, thậm chỉ là nhiễm khuẩn, tắc mạch chi, giảm phản xạ tiểu tiện,… Những biến chứng này ảnh hưởng rất nhiều đến chức năng vận động cũng như thể trạng sức khỏe của người bệnh trong tương lai.
Do đó, các chuyên gia khuyên rằng, mỗi người bệnh cần chủ động, tự giác về vấn đề tập luyện sau chấn thương. Nên cố gắng chịu đau để phục hồi chức năng sau gãy xương. Khi bạn chăm chỉ tập luyện, chức năng các khớp sẽ sớm phục hồi, tăng cường sức mạnh cơ và đảm bảo quá trình tuần hoàn máu diễn ra nhịp nhàng, thúc đẩy quá trình trao đổi chất, thư giãn cơ bắp, giảm đau và xương sẽ sớm liền trở lại. Tập luyện sớm và đúng phương pháp sẽ giúp bạn sớm lấy lại khả năng vận động để trở lại với cuộc sống sinh hoạt bình thường.
2. Những nguyên tắc hỗ trợ phục hồi chức năng sau gãy xương
Khi thực hiện vật lý trị liệu, phục hồi chức năng sau gãy xương, cần đảm bảo tuân thủ theo nguyên tắc hỗ trợ sau:
– Tạo điều kiện tốt nhất để quá trình liền xương cũng như các tổ chức phần mềm xung quanh đảm bảo diễn ra thuận lợi.- Giảm đau, giảm phù nề, chống dính khớp và phòng tránh hội chứng đau vùng.
– Cố gắng duy trì tầm vận động của các khớp, hạn chế nguy cơ teo cơ.
– Sau thời gian bất động, khả năng vận động tinh của bàn tay, bàn chân cần được phục hồi trở lại.
3. Phương pháp phục hồi chức năng sau gãy xương
Dù thực hiện bất cứ phương pháp phục hồi chức năng sau gãy xương nào, điều quan trọng nhất mà tất cả người bệnh cần lưu ý đó là cần kiên trì, cố gắng tập luyện mỗi ngày. Hãy kết hợp nhiều phương pháp khác nhau để có được những kết quả tốt nhất.
Dưới đây là một số gợi ý cho bạn:
– Dùng nhiệt
Nhiệt độ nóng và nhiệt độ lạnh đều có thể mang lại những hiệu quả rất tích cực với việc phục hồi chức năng vận động sau chấn thương, nhưng cần được sử dụng đúng thời điểm.+ Nên chườm lạnh khi chấn thương mới xảy ra và vùng bị tổn thương bị nóng hơn những vùng xung quanh. Tác dụng của phương pháp chườm lạnh là giảm sưng, giảm đau và thư giãn cơ.
+ Nên chườm nóng trước và trong quá trình tập luyện với mục đích làm mềm các tổ chức, tăng cường lưu thông máu và tăng khả năng phục hồi vận động. Trong trường hợp có đinh, nẹp vít trong xương thì không nên dùng nhiệt sóng ngắn để tránh làm nóng kim loại, gây viêm rò.
– Tập vận động khớp
Tình trạng khớp bất động quá lâu có thể dẫn đến cứng khớp, co khớp, bao hoạt dịch tăng sản mỡ, sụn mỏng đi. Việc tập luyện, cử động các khớp sẽ giúp bơm dịch khớp, giúp các khớp khỏe mạnh, linh hoạt hơn. Có thể tập vận động khớp từ ngày thứ 3 sau mổ hoặc sau bó bột.
– Tập đi
Dù xương chưa liền, bạn cũng nên tập đi với nạng trong trường hợp bị gãy xương chi dưới. Khi tập cần lưu ý giữ thẳng người, để vai cân bằng đồng thời mắt nhìn thẳng phía trước. Lưu ý không cúi nhìn xuống chân.
Khi xương đã gần liền thì bỏ nạng và tập đi bằng gậy. Nên tập chống gậy bên chân lành, khi tập đi thì cần bước chân lành ra trước, để tránh tình trạng sức nặng cơ thể ảnh hưởng nhiều đến chân đau. Khi xương đã liền tốt, tỳ vào ổ gãy không có cảm giác đau, người bệnh có thể bỏ gậy và tập đi bình thường.
– Một số bài tập khác
Một số bài tập phục hồi chức năng sau gãy xương khác có thể kể đến như:
+ Tập duy trì sức cơ hay gồng cơ, tập co cơ. Cụ thể là tập căng cơ khi khớp vẫn đau và tập co cơ khi khớp đã giảm đau.
+ Tập theo thói quen sinh hoạt thông thường như lên xuống cầu thang, tập ngồi xổm, đứng lên, tập nắm mở bàn tay, cầm đũa hay lật sách,… Thời gian tập các bài tập sinh hoạt thường kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm tùy thuộc vào mức độ tổn thương.
+ Massage: Thường xuyên mát xa cũng góp phần đẩy nhanh quá trình liền xương và phục hồi chức năng vận động. Tuy nhiên, trong quá trình mát xa, không nên dùng các loại thuốc xoa bóp như cao, cồn, dầu,… để tránh tình trạng vôi hóa khớp, cứng khớp.
+ Lưu ý, chỉ nên tập khi khớp đã thực sự ổn định. Với những trường hợp xảy ra biến chứng thì cần quan sát chi tiết và theo dõi cẩn thận hơn. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập luyện.
Trên đây là một số bài tập phục hồi chức năng sau gãy xương mang lại hiệu quả tích cực, giúp người bệnh sớm lấy lại khả năng vận động
Mọi chi tiết xin liên hệ:
Khoa Ngoại Chấn thương – Chỉnh hình
Lầu 1, nhà A6, Bệnh viện Thống Nhất, số 1 Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình, TP.HCM.
Hotline: 0965 696 940 hoặc 0902 696 422
Email: khoangoaictchbvtn@gmail.com
Trích nguồn: Fanpage khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thống Nhất