Tìm kiếm
Close this search box.

GÃY CỔ XƯƠNG ĐÙI: PHÒNG NGỪA VÀ ĐIỀU TRỊ

Mục lục

Gãy cổ xương đùi là một dạng gãy xương nặng, đe dọa đến tính mạng của người bệnh, đặc biệt là ở người cao tuổi. Khi không chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh đối mặt với nguy cơ tử vong rất cao do đau đớn và do những biến chứng khi phải nằm bất động lâu ngày.
1. TRIỆU CHỨNG GÃY CỔ XƯƠNG ĐÙI
Sau té ngã, người bệnh bị đau tại vùng háng. Cơn đau tăng khi gõ dồn vào gót chân hay ấn vào nếp lằn bẹn hay xoay bàn chân.
Mất vận động một phần hay toàn phần , không tự nhấc gót chân lên khỏi mặt đất.
Chân tổn thương bị ngắn hơn chân còn lại và bàn chân xoay ra ngoài.
Ngoài ra, người bệnh cũng được thăm khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ xác định lại các tính chất đau, kiểm tra mức độ vận động hoặc biến dạng của khớp háng.
Sau khi thăm khám, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh tiến hành chụp X – quang. Kết quả X-quang giúp bác sĩ xác nhận chẩn đoán gãy xương, đồng thời xác định xem phần xương nào bị gãy.
Một số đường gãy nhỏ hay gãy không hoàn toàn có thể khó phát hiện trên kết quả chụp X – quang. Một số trường hợp gãy xương không nhìn thấy được trên X-quang nhưng người bệnh vẫn có triệu chứng nghi ngờ gãy xương, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các chẩn đoán hình ảnh khác để xác định rõ hơn như chụp CT, chụp MRI…
2. ĐIỀU TRỊ
Bệnh nhân nên được chuyển sớm tới bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Do phần lớn các trường hợp gãy cổ xương đùi đều cần can thiệp phẫu thuật. Thời điểm tiến hành mổ nên được chỉ định trong vài ngày sau chấn thương. Phẫu thuật giúp người bệnh vận động sớm, ngăn ngừa những biến chứng do nằm lâu, bất động lâu.
Có 2 phương pháp điều trị thường chỉ định tùy thuộc loại gãy xương và tình trạng sức khỏe của người bệnh, cụ thể:
Kết hợp xương: Phương pháp này sử dụng đinh, vít, nẹp… để cố định ổ gãy, hỗ trợ liền xương. Ưu điểm là cố định vững, vận động sớm sau mổ, ngăn ngừa các biến chứng bất động lâu và liền xương khá cao, có thể bảo tồn được chỏm.
Thay khớp háng:
Thay khớp háng bán phần: Người bệnh chỉ thay thế phần chỏm xương đùi, không thay thế ổ cối.
Thay khớp háng toàn phần: Người bệnh được thay toàn bộ phần mặt khớp của xương đùi và ổ cối.
3. BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA
Để giảm thiểu nguy cơ gãy cổ xương đùi, bạn cần lưu ý:
– Duy trì vận động thể chất với cường độ phù hợp theo tình trạng sức khỏe.
– Chú trọng chế độ dinh dưỡng: Bổ sung đủ canxi, các loại vitamin và khoáng chất.
– Duy trì khám sức khỏe định kỳ (ít nhất 6 tháng/lần), điều trị loãng xương từ sớm.
– Điều trị những rối loạn về thị giác.
Người thân trong gia đình cần chú ý loại bỏ những nguy cơ có thể gây té ngã cho người lớn tuổi như sàn nhà trơn, chướng ngại vật… Đồng thời hướng dẫn người cao tuổi cách đề phòng té ngã trong sinh hoạt thường ngày.
Hiện nay tại khoa ngoại CTCH – Bệnh viện Thống Nhất đã và đang điều trị các trường hợp gãy cổ xương đùi với các kỹ thuật hiện tiên tiến. Đặc biệt là những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi nhiều bệnh nền phức tạp.
🏨 Khoa Ngoại Chấn thương – Chỉnh hình
Lầu 1, nhà A6, Bệnh viện Thống Nhất, số 1 Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình, TP.HCM.
☎️ Hotline: 0902 696 422
📧 Email: khoangoaictchbvtn@gmail.com

Trích nguồn: Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thống Nhất