SKĐS – Đó là chia sẻ của PGS.TS Đồng Văn Hệ – Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người tại buổi ra mắt Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Thống Nhất diễn ra vào ngày 2/11.
Cũng tại sự kiện này, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế – đánh giá cao công tác ghép tạng tại Bệnh viện Thống Nhất đặc biệt là việc thành lập Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người.
Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam hy vọng trong thời gian tới, Bệnh viện Thống Nhất sẽ làm chủ được kỹ thuật ghép gan và nhiều tạng khác, để giúp hồi sinh bệnh nhân bị bệnh nặng.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, thế giới có 7,6 tỷ người, trong đó 39.357 người hiến mô tạng mỗi năm (0.067% người hiến/người chết). Mỗi năm toàn thế giới ghép được 164.840 ca.
Trong khi đó, năm 2023 Việt Nam đã ghép được hơn 1.000 ca. Nguồn hiến tạng ở nước ta còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hiến tạng từ người chết não dưới 10%.
“Tại Việt Nam, hơn 90% nguồn hiến tạng đến từ người còn sống. Trong khi đó, ở các nước khác nguồn hiến tạng từ người chết não rất cao. Việc hiến tạng từ người còn sống có rất nhiều rủi ro, chúng ta biến một người bệnh nặng thành hai người yếu”, PGS Kim Tiến nói.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ – Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người – hiện Việt Nam có 29 bệnh viện có thể ghép tạng. Bệnh viện Thống Nhất là một trong những bệnh viện phía Nam có thể ghép tạng. Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về kỹ thuật và số ca ghép tạng.
Dù đang đứng đầu Đông Nam Á về ghép tạng nhưng tỷ lệ tạng hiến từ người chết não rất thấp, ví như tại Hàn Quốc là 50-60%, Thái Lan là trên 60%. Riêng Trung Quốc, tỷ lệ hiến tạng từ người chết não lên đến 80%.
“Chúng ta quan tâm rất nhiều đến ghép tạng, nhưng ít khi quan tâm đến hiến tạng. Mặc dù những năm gần đây, tỷ lệ hiến tạng từ người chết não ở Việt Nam đã tăng nhưng còn rất thấp. Một trong những lý do chủ yếu là ngành y ít quan tâm đến việc hiến mô tạng từ người chết. Theo một nghiên cứu cho thấy chỉ 10% bác sĩ, điều dưỡng hiểu đúng về chết não và hiến tạng từ người chết não. Do đó, để tăng tỷ lệ hiến mô tạng từ người chết, điều dễ làm, khả thi và hiệu quả nhất là nâng cao hiểu biết về hiến mô tạng từ người chết não ở nhân viên y tế, tại các bệnh viện”, Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho hay.
Vậy nên, PGS.TS Đồng Văn Hệ – Giám đốc Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người – cho rằng, việc thành lập Chi hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người là việc hết sức quan trọng để xây dựng mạng lưới rộng khắp. Cũng từ đó, tỷ lệ hiến mô, tạng, bộ phận cơ thể từ người chết cũng tăng cao. Cùng nhau sẽ làm nên những điều tuyệt vời còn riêng lẻ sẽ thực hiện được việc tốt.
PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết thêm, người cao tuổi vẫn có thể hiến và ghép tạng. Tới nay, người hiến tạng cao tuổi nhất thế giới là 92 tuổi, người cao tuổi nhất hiến giác mạc là 107 tuổi.
Trong năm 2023, 40% người hiến tạng tại Mỹ là trên 50 tuổi, riêng tại Tây Ban Nha có 50% người hiến tạng là trên 65 tuổi. Về ghép tạng, hơn 64% người được ghép tạng trên 50 tuổi. Cứ 4 người ghép tạng, có 1 người trên 65 tuổi.
PGS.TS Đồng Văn Hệ khẳng định: “Tuổi cao không phải là vấn đề của hiến và ghép tạng, quan trọng là tạng của người đó có còn khỏe hay không”.
Ngày 2/10, Bệnh viện Thống Nhất cũng tổ chức Hội nghị Khoa học thường niên mở rộng. Hội nghị diễn ra trong dịp kỷ niệm 49 năm ngày truyền thống của bệnh viện. Đây là một sự kiện đánh dấu hành trình gần nửa thế kỷ phát triển, cống hiến và không ngừng nỗ lực vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Với 168 bài báo cáo ở 31 phiên chuyên đề đa dạng như ngoại tiêu hóa, ngoại thần kinh, ngoại tiết niệu, phẫu thuật mạch máu lồng ngực, nội tim mạch, nội tiết, tiêu hóa… Đặc biệt, năm nay, hội nghị có hai phiên chuyên sâu về lão nha và lão hóa da, góp phần làm phong phú nội dung hội nghị và mở ra nhiều cơ hội trao đổi, chia sẻ về các vấn đề chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi.