Chính vì vậy, tại Hội nghị Lão khoa mở rộng lần thứ 8 do Bệnh viện Thống Nhất tổ chức, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM đã đem đến những thông tin tổng quan mới nhất về chẩn đoán và điều trị suy tim để từ đó giảm tỷ lệ tử vong cho người bệnh.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh cho biết, các giai đoạn suy tim theo ACC/AHA gồm: Giai đoạn A người bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì có nguy cơ suy tim. Giai đoạn B bệnh nhân chưa có triệu chứng cơ năng. Nếu không điều trị tốt, giai đoạn C sẽ có triệu chứng cơ năng và giai đoạn D là suy tim rất nặng. Vì vậy, điều trị và phòng ngừa càng sớm càng ngăn ngừa được suy tim cho người bệnh.
Phân loại suy tim theo phân suất tống máu: Nếu phân suất tống máu ≤ 40% là suy tim phân suất tống máu giảm. Khi ≥ 50% là suy tim phân suất tống máu bảo tồn.
Theo lưu đồ chẩn đoán suy tim của Hội Tim mạch Việt Nam, nếu nghi ngờ suy tim cần dựa vào tiền sử, yếu tố nguy cơ, triệu chứng cơ năng, phát hiện triệu chứng thực thể và luôn luôn đo điện tâm đồ. Nếu điện tâm đồ hoàn bình thường thì có thể tình trạng khó thở không phải do suy tim. Sau đó, cần xét nghiệm BNP/NT-proBNP, siêu âm tim và phân loại, tìm nguyên nhân của suy tim.
Hiện nay di truyền đóng vai trò rất quan trọng, không chỉ trong bệnh tim mạch, bệnh ung thư mà còn rất nhiều bệnh khác. Đối với suy tim, một số bệnh như bệnh cơ tim phì đại, áp lực đồ đầy thất trái tăng dãn nở, loạn sản thất phải gây loạn nhịp, bệnh cơ tim hạn chế,… đều cần thử di truyền.
Ví dụ, bệnh cơ tim phì đại đã xác định được 20 gen, 1.400 đột biến. Nếu phát hiện bệnh phải thử cho cả 3 thế hệ: con người bệnh, anh em người bệnh và cha mẹ người bệnh.
Các chỉ điểm sinh học giúp tầm soát, phòng ngừa, chẩn đoán, tiên lượng suy tim. Hiện nay, thường đo BNP/NT-proBNP giúp chẩn đoán suy tim, đo sST2 giúp tiên lượng của suy tim. Nếu bệnh nhân khó thở nhưng chưa xác định được cho bệnh lý ở tim hay phổi thì chính BNP/NT-proBNP sẽ giúp phân biệt.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh – Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM nhấn mạnh: “Mục tiêu điều trị suy tim là giảm tử vong, giảm nhập viện, cải thiện triệu chứng cơ năng và chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Trong đó, chẩn đoán suy tim hiện nay đã có nhiều vũ khí hơn, điều trị nội khoa không phải là giải pháp duy nhất mà cần thêm các biện pháp can thiệp, kể cả phẫu thuật”.
1. Điều trị suy tim bằng thuốc
Theo lưu đồ điều trị suy tim của hội tim mạch Việt Nam, phải áp dụng 4 trụ. Một là ức chế men chuyển được khuyến cáo bệnh nhân suy tim phân suất tống máu giảm để giảm nguy cơ nhập viện do suy tim và tử vong.
Hai là chẹn beta giao cảm được khuyến cáo cho bệnh nhân suy tim phân suất tống máu giảm ổn định để giảm nguy cơ nhập viện do suy tim và tử vong.
Ba là thuốc đối kháng thụ thể Mineralocorticoid (MRA) được khuyến cáo cho bệnh nhân suy tim phân suất tống máu giảm để giảm nguy cơ nhập viện do suy tim và tử vong.
Bốn là ức chế SGLT2. Trước đây, không có thuốc chứng minh kéo dài đời sống của bệnh nhân. Ngày nay đã có thuốc ức chế thụ thể SGLT2 (Empagliflozin, Dapagliflozin) được khuyến cáo ở bệnh nhân suy tim phân suất tống máu bảo tồn nhằm làm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong tim mạch.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh cho biết: “Suy tim phân suất tống máu bảo tồn thường do bệnh lý thiếu máu cục bộ cơ tim nên cần tầm soát, điều trị nguyên nhân và các bệnh đồng mắc tim mạch và không tim mạch. Lợi tiểu được khuyên dùng ở bệnh nhân suy tim phân suất tống máu bảo tồn có triệu chứng sung huyết để làm giảm triệu chứng”.
2. Điều trị suy tim bằng dụng cụ
Điều trị suy tim bằng dụng cụ bao gồm: Máy chuyển nhịp phá rung cấy được (ICD); Tái đồng bộ tim hay tạo nhịp 2 buồng thất (CRT); Dụng cụ trợ thất (VADs), ít sử dụng tại Việt Nam và chi phí cao; Tuần hoàn ngoài cơ thể (EMCO).
Theo PGS Phạm Nguyễn Vinh, triệt đốt rung nhĩ/suy tim, nhận thấy có sự tương tác giữa rung nhĩ và suy tim phân suất tống máu giảm. Triệt đốt có thể rất an toàn đối với các phương tiện hiện nay. Hiệu quả đưa về nhịp xoang, tăng 20% cung lượng tim, cải thiện chức năng thất trái, tăng chất lượng cuộc sống.
3. Điều trị suy tim do bệnh cơ tim/thiếu máu cục bộ bằng tái lưu thông mạch vành
“Trước đây, mọi người thường nghĩ tái lưu thông mạch vành sẽ kéo dài đời sống cho bệnh nhân suy tim, tuy nhiên điều này không đúng” – PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh nhận định.
Theo nghiên cứu REVIVED, nếu điều trị nội khoa tốt vẫn có thể kéo dài đời sống. Trong nghiên cứu STICHES, nhận thấy chỉ có một số nhóm bệnh nhân 3 nhánh mạch vành có lợi khi phẫu thuật bắc cầu mạch vành, còn tái lưu thông mạch vành không hoàn toàn được như vậy.
Do đó, khi cần tái lưu thông phải cân nhắc giữa nong và bắc cầu động mạch vành. Quyết định vẫn nằm ở bệnh nhân nhưng bác sĩ phải đưa ra lời khuyên và cố gắng điều trị nội khoa tối ưu cho người bệnh.
4. Điều trị suy tim bằng phẫu thuật
Đây là các biện pháp điều trị phụ trợ sau khi điều trị nội tối ưu bệnh nhân suy tim phân suất tống máu giảm.
Thứ nhất, nếu phân suất tống máu ≤ 35% giải pháp phụ hợp là tái lưu thông mạch vành.
Thứ hai, nếu phân suất tống máu giảm, hở van 2 lá nặng thì cần giảm bớt van 2 lá bằng phẫu thuật hoặc bằng kẹp cho người bệnh (Transcatheter edge-to-edge).
Tiếp cận điều trị hở van 2 lá thứ phát, nếu bệnh nhân suy tim nặng hở van 2 lá thứ phát sau khi hội chẩn chuyên gia mà bệnh nhân có phẫu thuật bắc cầu mạch vành chắc chắn phải sửa van 2 lá.
Nếu bệnh nhân không bắc cầu mạch vành thì có thể phẫu thuật chữa hở van 2 lá bằng Transcatheter edge-to-edge cho người bệnh, tuy nhiên chi phí khá cao, khoảng 70 triệu đồng.
Đối với người bệnh phân suất tống máu nhẹ hơn từ 41 – 49%, điều trị suy tim vẫn tuân theo điều trị như lợi tiểu, chẹn thụ thể, chẹn beta cho người bệnh.
Chia sẻ thêm vè bệnh cơ tim do xâm nhiễm Amyloidosis, chuyên gia cho biết đây là vấn đề thời sự hiện nay, có rất nhiều bệnh cơ tim Amyloidosis nhưng thầy thuốc không nhận ra. Khi nghi ngờ cần hỏi bệnh sử, siêu âm, điện tâm đồ,… từ đó chẩn đoán bệnh cơ tim do Amyloidosis. Sau đó sẽ có biện pháp điều trị riêng biệt, khác với các điều trị thông thường.