(Dân trí) – “Dù đang phải chịu đựng những cảm xúc đau đớn khi mất người thân, họ vẫn nói với tôi, rằng nếu không cứu được cháu thì hãy cứu người khác”, đại diện Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia kể.
“Lần đầu tiên, chúng tôi thực hiện thành công ca phẫu thuật lấy tạng từ người cho chết não, để ghép cho 7 người nhận tại các bệnh viện từ Bắc vào Nam”, Phó giáo sư Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất TPHCM xúc động chia sẻ về ca bệnh đặc biệt.
“Nếu không cứu được cháu, hãy cứu người khác…”
Trước đó, nam bệnh nhân N.P.K., (18 tuổi, quê An Giang) vào cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất ngày 17/11 trong tình trạng chấn thương sọ não rất nặng, dập não, tụ máu màng cứng, hôn mê sâu, thang đo tri giác (Glasgow) chỉ còn 3 điểm.
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ khoa Cấp cứu đã hồi sức và đặt nội khí quản, đồng thời mời khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức và Ngoại Thần kinh phẫu thuật cấp cứu.
Theo Phó giáo sư Đỗ Kim Quế, Phó Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, từ trước đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều người bệnh có tình trạng nguy kịch tương tự. Có những ca may mắn hồi phục sau khi điều trị tích cực. Tuy nhiên, kỳ tích không thể xảy ra với người bệnh này, khi sau 4 ngày can thiệp, K. vẫn hôn mê sâu, kết quả chụp CT sọ não kém tiến triển.
Đến ngày thứ 5 sau nhập viện, bệnh nhân được hội chẩn đa chuyên khoa, dưới sự chủ trì của người đứng đầu bệnh viện. Các bác sĩ kết luận, K. có nguy cơ rất cao sẽ chết não. Lúc này, bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Tiến Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức giải thích kỹ tình trạng với bệnh nhân và người nhà.
Song song đó, Chi hội vận động hiến mô tạng của bệnh viện liên hệ với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để triển khai quy trình lấy – ghép mô tạng. Ngay trong đêm, thạc sĩ Phạm Thị Đào, phụ trách phòng Tư vấn điều phối ghép tạng thuộc Trung tâm nêu trên, đã bay từ Hà Nội vào TPHCM để cùng bệnh viện trao đổi với người nhà bệnh nhân.
“Điều tôi nhớ mãi khi tiếp cận bà và mẹ của người bệnh, là dù đang phải chịu đựng những cảm xúc đau đớn khi mất người thân, họ vẫn nói với tôi, rằng nếu không cứu được cháu thì hãy cứu người khác. Câu nói ấy khiến chúng tôi vô cùng xúc động, truyền lửa để chúng tôi làm những gì tốt nhất có thể”, thạc sĩ Đào chia sẻ.
11h ngày 22/11, gia đình chính thức ký vào giấy đồng ý hiến mô tạng người bệnh. Ngay sau đó, một hội đồng hiến – ghép mô tạng được khẩn trương thành lập. Bước đầu, Bệnh viện Thống Nhất đã liên hệ Công an quận Tân Bình, Công an TPHCM và công an địa phương nơi người bệnh cư trú, để hoàn thành các thủ tục pháp lý.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng thành lập hội đồng chuyên gia xác định chết não, gồm 10 thành viên từ các khoa Gây mê hồi sức, Ngoại thần kinh, Nội thần kinh, Chẩn đoán hình ảnh tại đơn vị và chuyên gia pháp y, thuộc Phân viện Pháp y Quốc gia tại TPHCM. Hội đồng đã đánh giá tình trạng của người bệnh trong 3 lần, mỗi lần cách nhau 6 giờ.
Đến 7h30 sáng 24/11, tình trạng bệnh nhân được nhận định rất nặng, có thể đột ngột ngưng tim, ngưng thở và tử vong bất kỳ lúc nào. Cùng với kết quả chụp DSA, các chuyên gia thống nhất xác định bệnh nhân đã chết não.
Cuộc chạy đua ghép tạng cứu người ở hai đầu Nam – Bắc
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Công Duy Long, khoa Ngoại Gan Mật Tụy, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ, ngay sau khi nhận thông báo về trường hợp chết não, ông cùng các đồng nghiệp đã khẩn trương rà soát danh sách bệnh nhân chờ ghép tạng. Suốt đêm 23/11, họ gần như không ngủ, để chọn lọc người nhận phù hợp và cập nhật tình hình của người cho tạng.
“Sau khi Hội đồng đánh giá bệnh nhân không còn khả năng cứu chữa, chúng tôi ngay lập tức được triệu tập tại Bệnh viện Thống Nhất, để lên phương án lấy tạng cho 2 trường hợp cần ghép gan đứng đầu danh sách chờ.
Bệnh nhân đầu tiên là cháu bé 3 tuổi, điều trị ở Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, bị nhiễm trùng đường mật do xơ gan giai đoạn cuối. Bệnh nhân còn lại đang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, bị xơ gan giai đoạn muộn”, bác sĩ Long thông tin.
Tiến sĩ, bác sĩ Ninh Việt Khải, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết thêm, bệnh nhân ban đầu trong quá trình chờ ghép gan đã tăng cân đến 90kg. Với số cân nặng này, gan ghép khó đảm bảo chức năng bình thường. Do đó, sau khi bàn bạc, các bác sĩ thống nhất lựa chọn ghép gan cho một bệnh nhân dự phòng khác.
10h45 ngày 24/11, cuộc phẫu thuật lấy tạng bắt đầu diễn ra. Các bác sĩ đã thực hiện kỹ thuật tách gan trên người cho chết não, để ghép cho 2 bệnh nhân. Phương pháp này mang lại ý nghĩa lớn, khi cùng lúc có thể cứu 2 người bệnh, trong đó có trẻ em, từ một lá gan của người cho chết não.
Hai phần của lá gan được vận chuyển đến 2 bệnh viện ở hai đầu đất nước, để ghép cho 2 người nhận ngay trong chiều cùng ngày. Sau ghép, các bệnh nhân hồi phục tốt, chức năng gan ổn định. Trong đó, cháu bé tại TPHCM ngay sáng hôm sau đã tự thở, có thể nói được, còn bệnh nhân ở Hà Nội cũng đã ngưng ống thở, tỉnh táo hoàn toàn.
Ngoài gan, 5 đơn vị tạng còn lại cũng đã được vận chuyển nhanh chóng đến các bệnh viện để ghép cho người nhận.
Cụ thể, 2 quả thận ghép cho các bệnh nhân tại Bệnh viện Thống Nhất, quả tim ghép cho bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức, còn 2 giác mạc được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Tính đến ngày 26/11, tình trạng các người nhận đều ổn định và đang được theo dõi thêm.
Trăn trở tỷ lệ hiến mô tạng từ người cho chết não rất thấp
Giáo sư, tiến sĩ Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia chia sẻ, trung bình mỗi năm, tại Việt Nam chỉ có 10-11 ca ghép tạng từ người cho chết não.
Riêng năm nay, đến thời điểm này, toàn khu vực miền Bắc đã có 28 ca bệnh chết não hiến tạng. Còn ở khu vực miền Nam, người dân hiến xác rất nhiều nhưng việc hiến mô tạng từ người cho chết não lại rất thấp. Ông Hệ nhận định, nguyên nhân có thể do những hạn chế trong công tác tổ chức tại bệnh viện, như thời gian phát hiện ca chết não, vấn đề tư vấn hiến tạng…
Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia bày tỏ hy vọng, thời gian tới việc hiến mô tạng cứu người (đối với người cho chết não) sẽ cao hơn tại khu vực phía Nam. Để thúc đẩy điều này, cần sự quan tâm của Ban giám đốc các bệnh viện, đưa ra các kế hoạch và phương án cụ thể hơn với người bệnh có nguyện vọng hiến tạng.
Với Phó giáo sư Lê Đình Thanh, ca bệnh đặc biệt trên là cột mốc mới, ghi dấu năng lực cũng như tên tuổi của Bệnh viện Thống Nhất trong bản đồ ghép tạng Việt Nam, sau khi đơn vị đã triển khai ghép thận trong vài năm qua.
“Chúng tôi xin gửi lời tri ân sâu sắc đến gia đình và người hiến vì nghĩa cử cao đẹp. Tôi cũng xin gửi lời cảm ơn chân thành đến những người đã đóng góp vào thành công của những ca ghép tạng vừa qua.
Thành công đạt được nhờ có sự phối hợp giữa Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, các bệnh viện cũng như các cơ quan trong và ngoài ngành y”, Phó giáo sư Thanh nói.