Bệnh viện Thống Nhất: Tự hào chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển

Mục lục

Ngày 01/11/1975, Bệnh viện Thống Nhất được thành lập trên cơ sở tiếp quản Bệnh viện Vì Dân của chế độ cũ. Vào những ngày đầu ấy, Bệnh viện được giao sứ mệnh khám chữa bệnh và quản lý sức khỏe cho cán bộ trung, cao cấp quân – dân chính, đảng và một số khách quốc tế cần thiết hoạt động ở miền Nam; tham gia quản lý sức khỏe cán bộ cao cấp, cấp cứu, điều trị tại nhà cho các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phục vụ mọi mặt về y tế cho các hội nghị do Trung ương Đảng hoặc Chính phủ tổ chức tại miền Nam.  

Đến ngày 25/3/1978, Bệnh viện Thống Nhất được chuyển về trực thuộc Bộ Y tế, với quy mô 400 giường, cơ cấu tổ chức gồm 16 khoa lâm sàng, 07 khoa cận lâm sàng, 01 phòng khám bệnh đa khoa, 02 tổ bảo vệ sức khỏe và 06 phòng chức năng. Lúc này Bệnh viện được bổ sung thêm các nhiệm vụ: Khám và điều trị cho gia đình cán bộ theo sự phân công và quy định của Ban Tổ chức Trung ương Đảng; Bồi dưỡng, bổ túc chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ, nhân viên và tham gia công tác nghiên cứu khoa học; Chỉ đạo tuyến trong việc quản lý sức khỏe cán bộ thuộc diện Bệnh viện quản lý.

Theo thời gian, Bệnh viện Thống Nhất đã từng bước trưởng thành vững mạnh. Hiện nay, Bệnh viện đã phát triển và mở rộng quy mô trên 1.200 giường; gồm 32 khoa lâm sàng, 08 khoa cận lâm sàng, 11 cơ quan với gần 1.300 cán bộ viên chức.

1ab
Tổng Bí thư Tô Lâm thăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất.

Năm 2024, Bệnh viện đã sửa xong Tòa nhà trung tâm, chỉnh trang sắp xếp lại một số đơn vị khoa học, thuận lợi hơn. Đáng nói, Bệnh viện đã mua và đưa vào khai thác sử dụng 03 máy lớn thuộc thế hệ mới, tiên tiến, hiện đại bằng nguồn vốn của Chính phủ cấp cho chương trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid. Bao gồm: Máy cộng hưởng từ MRI 3.0 Tesla của Siemens; hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) 1 bình diện của Siemens và máy Spectral CT7500 là thế hệ mới, cao cấp nhất của Philips có sự tham gia của AI, trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước được trang bị máy này và là cái thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á.

Với cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, đội ngũ y bác sỹ có trình độ chuyên môn cao, Bệnh viện đã có đủ các chuyên khoa phát triển theo hướng chuyên sâu cả về nội và ngoại khoa trong đó có nhiều chuyên khoa mũi nhọn như Lão khoa, Tim mạch, Tim mạch cấp cứu và can thiệp, phẫu thuật nội soi… thực hiện được hầu hết các kỹ thuật tiên tiến. Tại đây, nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại được áp dụng có hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị như: mổ tim hở, các thủ thuật can thiệp về tim mạch, phẫu thuật động mạch cảnh, động mạch chủ, phẫu thuật nội soi khớp, phẫu thuật nội soi lồng ngực, tai mũi họng, phaco, nội soi tiêu hóa, can thiệp các kỹ thuật và thủ thuật chẩn đoán, điều trị kỹ thuật cao, nút mạch điều trị K gan, siêu lọc kỹ thuật lọc máu liên tục, kỹ thuật thay huyết tương, thông khí nhân tạo xâm nhập với tần số cao. Đặc biệt là kỹ thuật chụp cắt lớp quang học nội mạch (OCT) và kỹ thuật vẽ bản đồ điện học trong tim (Ensite) lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam giúp điều trị các bệnh lý mạch vành và loạn nhịp tim phức tạp.

2ab
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và lãnh đạo Bộ Y tế thăm và làm việc tại Bệnh viện Thống Nhất.

Không ngừng phát triển, Bệnh viện Thống Nhất đã ghi dấu ấn đậm nét trong nền y học đất nước. Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt mang tính lịch sử về phát triển chuyên môn của Bệnh viện Thống Nhất. Lần đầu tiên Bệnh viện phối hợp với các đơn vị bạn tổ chức ca phẫu thuật lấy tạng từ người hiến chết não, 7 đơn vị tạng đã được vận chuyển nhanh chóng đến các bệnh viện và ghép thành công cho người nhận. Tính đến ngày 20/11/2024, sau 2 năm triển khai, Bệnh viện đã thực hiện ghép thận thành công cho 17 cặp bệnh nhân, đánh dấu một cột mốc mới trong phát triển kỹ thuật. Bệnh viện đã được các chuyên gia bao gồm các giáo sư đầu ngành của Hội thận học quốc tế và Hiệp hội ghép tạng thế giới đến kiểm tra thực tế và đánh giá cao tiềm năng đồng thời chấp thuận nâng cấp chương trình đào tạo chuyển giao ghép thận của Bệnh viện lên mức độ A, mức độ cao nhất. Đây là cơ sở, nền tảng để Bệnh viện tiếp tục phát triển các bộ phận khác mà trước mắt là phấn đấu hoàn thành kỹ thuật ghép gan vào năm 2025. Trong năm, Đơn vị Đột quỵ Bệnh viện Thống Nhất vinh dự nhận giải thưởng “Kim cương” – giải thưởng cao nhất cho chất lượng điều trị đột quỵ và được vinh danh tại Hội nghị Đột quỵ thế giới tổ chức tại Abu Dhabi tháng 10/2024. Đây là một sự động viên, ghi nhận đồng thời khẳng định chất lượng điều trị đột quỵ của Bệnh viện ngang tầm quốc tế.

3ab
PGS.TS Lê Đình Thanh – Giám đốc Bệnh viện chỉ đạo thực hiện ca lấy và ghép tạng từ người hiến chết não.

Với ý thức, trách nhiệm cao, khi nào cũng vậy, Thành phố và Nhân dân cần, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất cũng tiên phong lên tuyến đầu. Trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 xảy ra, Bệnh viện đã chủ động tổ chức lực lượng tham gia chống dịch trên tất cả các mặt trận: Xét nghiệm truy vết, tiêm vắc xin, điều trị ở các bệnh viện dã chiến, thành lập và điều hành bệnh viện dã chiến đa tầng điều trị Covid Tân Bình, tiếp nhận điều trị bệnh nhân tại vùng đệm khoa Cấp cứu của Bệnh viện, tiếp nhận điều trị bệnh nhân không Covid,… tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời theo yêu cầu của Bộ Y tế, các cơ quan Trung ương và các địa phương, Bệnh viện Thống Nhất đã cử lực lượng đến hỗ trợ phòng chống dịch ở nhiều tỉnh khu vực phía Nam và Tây Nguyên. Vào những ngày cuối năm 2024, Bệnh viện cũng đã tiếp nhận cấp cứu kịp thời và điều trị thành công cho các nạn nhân vụ cháy nhà tại quận Tân Bình. Điều này đã chứng minh được năng lực tổ chức và trình độ chuyên môn của Bệnh viện, của các khoa, phòng. Đồng thời góp phần nâng cao uy tín cho ngành Y tế và đặc biệt là giúp giảm thiểu thiệt hại của vụ cháy xảy ra.

4ab
Khai trương khu chẩn đoán hình ảnh kỹ thuật cao.

Có thể khẳng định, trải qua nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, viên chức Bệnh viện Thống Nhất luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bồi đắp nên truyền thống tốt đẹp của Bệnh viện hàng đầu Thành phố mang tên Bác. Liên tục nhiều năm liền, Bệnh viện được Bộ Y tế công nhận là đơn vị xuất sắc toàn diện. Bệnh viện đã được Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2003), Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2013), đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2005); Cờ thi đua của Chính phủ năm 2014, 2019, 2022; Cờ thi đua của Bộ Y tế năm 2014, 2015, 2018, 2020; Huân chương Tự do hạng Ba của nước CHDCND Lào năm 2015; Huân chương Hữu nghị hạng Mô Ha Se Na của Vương quốc Campuchia năm 2020; cùng nhiều Bằng khen của Bộ Y tế, Ban Bảo vệ sức khỏe Trung ương và các tỉnh, thành phố. Có 02 cán bộ viên chức Bệnh viện được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, 08 Thầy thuốc Nhân dân, 88 Thầy thuốc Ưu tú và nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động Nhất, Nhì, Ba, Huân chương Tự do, Huân chương Hữu nghị của 2 nước bạn Lào và Campuchia; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen, Kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” của Bộ Y tế và các tỉnh, thành. Đặc biệt, đầu năm 2025, Bệnh viện đã vinh dự được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho tập thể Bệnh viện và nhiều phần thưởng cấp Nhà nước cho các khoa, phòng và cá nhân./.