Vừa qua, Bệnh viện Thống Nhất tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Suy tim lần thứ 3 năm 2025. Chương trình có sự tham dự của PGS.TS. Lê Đình Thanh – Giám đốc Bệnh viện, các chuyên gia y tế cùng gần 250 thành viên Câu lạc bộ là người bệnh suy tim đang điều trị, theo dõi tại bệnh viện.
PGS.TS. Lê Đình Thanh phát biểu tại chương trình.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS. Lê Đình Thanh nhấn mạnh suy tim là một bệnh lý mạn tính mang gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình và xã hội. Trong vòng 5 năm đầu sau chẩn đoán, nếu không được điều trị đúng cách, khoảng 50% bệnh nhân có nguy cơ tử vong. Tỷ lệ tái nhập viện hàng năm ở người bệnh suy tim cũng rất cao, dao động từ 30–50%, với chi phí điều trị lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống. Bệnh suy tim thường đi kèm nhiều biến chứng như suy thận, suy hô hấp, viêm phổi… và khiến người bệnh mất khả năng lao động, phụ thuộc vào sự chăm sóc của người thân. Do đó, việc hiểu biết về bệnh, phát hiện sớm và điều trị dự phòng từ giai đoạn đầu là rất quan trọng.
PGS. TS. Lê Đình Thanh cũng nhấn mạnh vai trò của hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu và mạng lưới y tế cơ sở trong việc phát hiện sớm, quản lý hiệu quả bệnh suy tim, từ đó góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối.
Đại biểu tham dự buổi sinh hoạt.
Tại buổi sinh hoạt, BS.CK2. Nguyễn Văn Bé Hai – Trưởng khoa Nội Tim mạch đã trình bày báo cáo về vai trò của vận động thể lực đối với người bệnh suy tim. Theo Bác sĩ Bé Hai, việc duy trì luyện tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng, phù hợp như đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga… có tác dụng tích cực trong việc tăng cường lưu thông máu, cải thiện chức năng tim và giảm triệu chứng khó thở, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Nội dung trình bày của BS.CK2. Nguyễn Văn Bé Hai.
Thành viên tham gia CLB chăm chú theo dõi chương trình.
TS.BS. Trần Quốc Cường – Trưởng Khoa Dinh dưỡng lâm sàng trình bày báo cáo tại buổi sinh hoạt.
Nội dung trình bày của TS.BS. Trần Quốc Cường
Tiếp nối chương trình, TS.BS. Trần Quốc Cường – Trưởng Khoa Dinh dưỡng lâm sàng chia sẻ những nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng dành cho bệnh nhân suy tim. Phần trình bày nhấn mạnh chế độ ăn cân bằng theo mô hình DASH, hạn chế muối dưới 5g mỗi ngày, kiểm soát lượng dịch đưa vào cơ thể, duy trì cân nặng hợp lý và theo dõi, điều trị thiếu sắt – một yếu tố thường gặp ảnh hưởng đến tình trạng bệnh.
BS.CK2. Nguyễn Văn Bé Hai giải đáp thắc mắc tại buổi sinh hoạt.
Chương trình còn dành thời gian giao lưu, đối thoại giữa người bệnh và các chuyên gia, giúp giải đáp cụ thể những thắc mắc thường gặp trong quá trình điều trị và tự chăm sóc tại nhà. Đây là dịp để người bệnh cập nhật kiến thức chuyên môn, đồng thời được động viên, hỗ trợ tinh thần trong quá trình điều trị suy tim.
TRUYỀN THÔNG BỆNH VIỆN THỐNG NHẤT