Vừa qua, Bệnh viện Thống Nhất tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ Đái tháo đường lần thứ 77. Tham gia chương trình có PGS.TS. Võ Thành Toàn – Phó Giám đốc Bệnh viện, đại diện các khoa, phòng và hơn 200 bệnh nhân là thành viên Câu lạc bộ cùng tham dự.
PGS.TS. Võ Thành Toàn phát biểu tại buổi sinh hoạt.
Phát biểu tại chương trình, PGS.TS Võ Thành Toàn nhấn mạnh: “Câu lạc bộ Đái tháo đường không chỉ là nơi chia sẻ kiến thức mà còn là một hình thức chăm sóc tinh thần cho người bệnh. Thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ, bệnh nhân có thêm hiểu biết để quản lý tốt bệnh lý của mình, đồng thời cảm thấy được đồng hành và kết nối trong hành trình sống khỏe.”
Đại biểu tham dự chương trình.
Tại chương trình, các thành viên câu lạc bộ được cập nhật nhiều kiến thức quan trọng liên quan đến kiểm soát và phòng ngừa biến chứng bệnh đái tháo đường. Nội dung sinh hoạt xoay quanh ba chủ đề chính: biến chứng tiêu hóa, dinh dưỡng – vận động phòng tránh suy yếu và phòng ngừa cúm ở người cao tuổi mắc bệnh nền.
Theo ThS.BS. Trần Hữu Chí – Khoa Nội tiết, biến chứng tiêu hóa là một trong những hệ quả phổ biến nhưng ít được quan tâm ở bệnh nhân đái tháo đường. “Hệ tiêu hóa của chúng ta vận hành dưới sự điều khiển của một mạng lưới thần kinh phức tạp. Khi đường huyết cao kéo dài, các dây thần kinh này bị tổn thương, gây rối loạn co bóp ruột, hấp thu kém và nhiều vấn đề khác như tăng đường huyết, viêm, stress oxy hóa”, bác sĩ Hữu Chí phân tích. Việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời các rối loạn tiêu hóa không chỉ giúp cải thiện chất lượng sống mà còn hỗ trợ kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng nặng hơn.
ThS.BS. Trần Hữu Chí – Khoa Nội tiết Bệnh viện Thống Nhất trình bày báo cáo tại chương trình sinh hoạt.
Ở góc độ dinh dưỡng, Bác sĩ Nguyễn Thúy Vy – Khoa Dinh dưỡng lâm sàng cảnh báo: người bệnh đái tháo đường có nguy cơ suy yếu cao hơn gấp 3–5 lần so với người không mắc bệnh. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc kiểm soát đường huyết chưa tốt, ăn uống thiếu hụt, ít vận động và rối loạn tâm lý âm thầm. Bác sĩ khuyến nghị chế độ ăn của người bệnh cần đủ năng lượng, giàu đạm chất lượng cao, chất xơ và ngũ cốc nguyên hạt. Vận động thể lực tối thiểu 150 phút mỗi tuần cùng các bài tập tăng sức cơ cũng là “liều thuốc” tự nhiên hiệu quả giúp làm chậm quá trình suy yếu.
Đáng chú ý, BS Lương Đức Khải – Trung tâm Tiêm chủng nhấn mạnh vai trò sống còn của tiêm vắc xin cúm hằng năm đối với người cao tuổi và bệnh nhân đái tháo đường. “Chỉ một đợt cúm nhẹ cũng có thể khiến bệnh nhân đái tháo đường nhập viện, thậm chí tử vong cao hơn gấp nhiều lần so với người bình thường. Cúm còn làm trầm trọng thêm tình trạng tim mạch và kiểm soát đường huyết vốn đã mong manh. Vì vậy, tiêm ngừa cúm chính là hành động chủ động để giữ sức khỏe, tránh những hệ lụy đáng tiếc,” bác sĩ Đức Khải chia sẻ.
BS. Lương Đức Khải – Trung tâm Tiêm chủng Bệnh viện Thống Nhất trình báo báo cáo tại buổi sinh hoạt.
Các thành viên được trực tiếp đặt câu hỏi, giao lưu cùng chuyên gia và tham gia quay số may mắn cuối chương trình.
Chương trình sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ Đái tháo đường Bệnh viện Thống Nhất đã trở thành điểm hẹn quen thuộc cho người bệnh, không chỉ được cập nhật kiến thức khoa học mà còn là nơi sẻ chia, kết nối hành trình sống khỏe.
TRUYỀN THÔNG BỆNH VIỆN THỐNG NHẤT