Tìm kiếm
Close this search box.

BONG GÂN CỔ CHÂN: TRIỆU CHỨNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ HIỆU QUẢ, AN TOÀN

Mục lục

Việc chấn thương ở vùng cổ chân là điều thường xuyên gặp phải ở người làm công việc lao động chân tay hoặc trong vui chơi thể thao. Tình trạng tổn thương mà chân dễ mắc phải nhất phải kể tới bong gân cổ chân. Vậy bong gân cổ chân là gì? Tình trạng này có thực sự nguy hiểm và phải làm gì để có thể chữa lành vết thương nhanh nhất?
1. Khái quát thông tin về bong gân cổ chân
Bong gân ở cổ chân là tình trạng dây chằng ở quanh khớp cổ chân bị giãn ra hoặc thậm chí bị rách một phần hoặc toàn bộ dây chằng. Tình trạng bong gân này có thể nhẹ hoặc nặng tùy thuộc vào mức độ chấn thương. Hầu hết, tình trạng bị bong gân này đều ở mức độ nhẹ. Chính vì vậy, người ta thường chủ quan và tự mình điều trị vết thương ở nhà bằng các phương pháp như: chườm đá lạnh, xoa bóng bằng dầu và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, đối với những người bị bong gân nặng thì cần phải đi gặp bác sĩ để được thăm khám và nhận hướng dẫn phương pháp điều trị phù hợp.
2. Triệu chứng
Tình trạng bong gân cổ chân xuất hiện khi phần khớp đột nhiên bị tác động một lực lớn hơn mức bình thường (kéo, gấp, xoắn,…). Điều này khiến cho dây chằng xung quanh khớp bị tổn thương. Khi bạn bị bong gân, phần cổ chân sẽ xuất hiện một số biểu hiện như:
– Khi bị chấn thương, phần cổ chân của bạn có thể phát ra tiếng rắc như khi mình bẻ khớp ngón tay.
– Bên ngoài phần cổ chân sẽ xuất hiện vết bầm tím và sưng. Tùy vào mức độ bong gân mà diện tích sưng và bầm tím sẽ lớn hoặc nhỏ. Hầu như bạn sẽ không thể gập hay hoạt động được phần khớp cổ chân trong quá trình bị bong gân.
– Phần khớp cổ chân bị bong gân sẽ bị đau âm ỉ trong suốt nhiều ngày. Đặc biệt, trong tình trạng bị thương nặng thì mức độ đau sẽ tăng lên rất nhiều. Bạn sẽ cảm thấy đau đớn và khó chịu khi phải di chuyển.
Tùy vào từng mức độ đau mà bạn nên có phương pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, bạn không nên quá chủ quan khi gặp bong gân cổ chân. Bạn cần phải đi gặp bác sĩ trong trường hợp cần thiết. Bởi nếu bị bong gân nặng nhưng không được chữa trị đúng cách và kịp thời thì tình trạng sẽ ngày càng nặng hơn. Trong một số trường hợp phần cổ chân của bạn sẽ trở nên yếu đi, dễ bị thương hơn và ảnh hưởng rất lớn tới sinh hoạt trong cuộc sống.
3. Phương pháp điều trị hiệu quả đối với tình trạng bong gân ở cổ chân
Bong gân cổ chân là tình trạng tổn thương dễ gặp phải. Bởi vậy, nắm rõ các phương thức điều trị sẽ rất có ích đối với mọi người. Trước hết, khi bạn bị trật chân cần bình tĩnh và tự mình kiểm tra xem có phải bản thân đã bị bong gân rồi không. Cách thức kiểm tra là bạn nên xoay nhẹ phần cổ chân hoặc đứng lên và bước đi. Nếu không thấy cảm giác đau nhói hoặc sưng thì chân bạn vẫn bình thường và không phải bị bong gân. Ngược lại, nếu cảm thấy đau và ở cổ chân dần bị sưng lên thì có thể khẳng định bạn đã bị bong gân rồi.
3.1. Các bước điều trị khi bị bong gân
Đối với trường hợp bạn bị bong gân nặng, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Còn đối với những trường hợp bị bong gân nhẹ, bạn nên thực hiện các phương pháp sau:
+ Hạn chế việc đi lại đến mức tối đa. Bạn chỉ nên nằm tĩnh dưỡng và nghỉ ngơi ở trên giường. Trong khoảng 2 ngày đầu, bạn nên đặt chân cao hơn tim.
+ Chườm đá tại phần cổ chân bị sưng và bầm tím là điều tiếp theo bạn nên thực hiện. Bạn nên để đá lạnh bọc trong khăn vải mềm. Mỗi ngày chườm đá từ 2 đến 3 lần. Mỗi lần khoảng 30 phút. Việc chườm đá sẽ giúp bạn giảm đau và giảm sưng hiệu quả.
+ Khi bị bong gân nặng, bạn nên sử dụng nẹp hoặc băng ép cố định phần khớp cổ chân. Khi cần thiết phải di chuyển nên dùng nạng để giảm tối đa việc tạo lực lên cổ chân khi đang bị thương.
Có thể dùng một số loại thuốc giảm đau, chống viêm, tiêu sưng.
3.2. Một số lưu ý khi điều trị bong gân
Khi bị bong gân cổ chân, để đảm bảo cho vết thương nhanh hồi phục, bạn cần lưu ý một số vấn đề như:
+ Tuyệt đối không sử dụng rượu hoặc cao nóng xoa bóp vào chỗ bị thương. Bởi rượu và cao có tính nóng, khi xoa vào vết thương sẽ khiến cho việc máu chảy nhiều hơn. Điều này có thể khiến cho phần cơ bị teo và khớp bị cứng sau khi vết thương hồi phục.
+ Sau một thời gian nghỉ ngơi, bạn nên luyện tập bước đi. Điều này sẽ giúp cho phần cơ khỏe hơn cũng như khớp hoạt động dễ dàng hơn.

Nếu bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám và nhận hướng dẫn điều trị, có thể liên hệ với chúng tôi:

Khoa Ngoại Chấn thương – Chỉnh hình
Lầu 1, nhà A6, Bệnh viện Thống Nhất, số 1 Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình, TP.HCM.
☎️ Hotline: 0902 696 422
Trích nguồn: Khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thống Nhất