(Dân trí) – Theo báo cáo của Bảo hiểm Y tế Việt Nam, việc thanh toán cho tình trạng này đang đứng đầu danh sách chi trả, ước tính lên đến hơn 4.000 tỷ đồng trong 1 năm.
Trong các ngày 14-15/9, tại Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) đã diễn ra chương trình “CAREME – Yêu lấy mình – Khám sàng lọc bệnh lý tim mạch, bệnh thận mạn, thận chuyển hóa tại cộng đồng”, với sự tham gia của hơn 1.000 người dân trên địa bàn.
Bệnh tim mạch luôn đứng đầu trong các nguyên nhân gây tử vong trên thế giới. Trong khi đó, bệnh thận mạn tính là một bệnh không lây nhiễm thường gây ra bởi đái tháo đường và tăng huyết áp, là một vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng.
Thống kê trên toàn thế giới, bệnh thận mạn tính đã gây ra 4,6% tử vong, là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 12 vào năm 2017. Tại Việt Nam, có hơn 8,7 triệu người trưởng thành mắc bệnh thận mạn, chiếm 12,8% dân số.
Nước ta hiện có hơn 400 đơn vị chạy thận nhân tạo và cung cấp dịch vụ lọc máu cho khoảng 30.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối mỗi năm, nhưng mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu trên cả nước.
Theo báo cáo của Bảo hiểm Y tế Việt Nam năm 2022, chi phí thanh toán cho chạy thận nhân tạo hiện đang đứng đầu danh sách chi trả, ước tính hơn 4.000 tỷ đồng.
Vì vậy, việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh thận mạn tính, cũng như làm chậm quá trình suy giảm chức năng thận, điều trị thay thế thận sẽ đem đến những lợi ích đáng kể và lâu dài về kinh tế, đồng thời làm giảm gánh nặng cho ngành y tế.
Chương trình “CAREME – Yêu lấy mình” được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam phát động từ tháng 5, đã và đang được triển khai khắp cả nước, với mong muốn tiếp cận hỗ trợ cho hơn 1 triệu người dân.
Đặc biệt, tại chương trình lần này, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cũng trao tặng hệ thống Telehealth và AI tầm soát bệnh mạn tính cho Bệnh viện Thống Nhất. Đây là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại địa phương.
Những thiết bị này không chỉ giúp cải thiện điều kiện làm việc cho đội ngũ y bác sĩ mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế tiên tiến, hiện đại.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc. Chuyển đổi số y tế là một trong 8 trọng tâm chuyển đổi số quốc gia, theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Chính vì vậy, ngành y tế cần đẩy mạnh triển khai áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin trong cải tiến quy trình khám chữa bệnh, tận dụng thành quả công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế tiện ích và chất lượng.
Cục quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế mong muốn người dân sẽ ngày càng có ý thức về phòng chống bệnh, chủ động sử dụng các công cụ số tiên tiến. Đồng thời, các cơ sở y tế sẽ ngày một đổi mới, số hóa theo hướng hiện đại, minh bạch và chất lượng hơn.