Các bác sĩ sẽ giảm thời gian để học tập, trau dồi kiến thức về y khoa thông qua ChatGPT. Từ đó tận dụng được tối đa thời gian để hỗ trợ thêm nhiều bệnh nhân.
Chiều 10/7, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) đã tổ chức Hội nghị ứng dụng ChatGPT trong môi trường y tế hiện nay. Hội nghị với sự tham dự của nhiều lãnh đạo các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM cùng đông đảo các y, bác sĩ, nhân viên y tế trên địa bàn thành phố.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Võ Thành Toàn – Phó Giám đốc BV Thống Nhất cho biết, ứng dụng AI đã thâm nhập sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống và y tế cũng không ngoại lệ. Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế bác sĩ, nhưng nếu bác sĩ không sử dụng trí tuệ nhân tạo thì sẽ bị đào thải và loại bỏ.
“AI là mảnh đất màu mỡ dành cho những người dám dẫn thân để tìm ra cái mới, làm những điều mà 20 năm trước không ai có thể làm. Như ứng dụng AI vào chụp X quang, hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh bệnh hiếm gặp, giúp bác sĩ giảm tải công việc cũng như tránh sai sót; tạo thực đơn ăn uống mỗi ngày dựa trên chiều cao, cân nặng…”, PGS.TS Võ Thành Toàn chia sẻ.
Trong đó, Chat GPT là một AI quan trọng hỗ trợ các bác sĩ trong quá trình nghiên cứu và khám chữa bệnh.
Theo TS.BS Lê Hoàng Phúc – Trưởng khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, ChatGPT là mô hình ngôn ngữ được phát triển bởi OpenAI, để hiểu và tạo văn bản tự nhiên dựa trên ngữ cảnh của cuộc hội thoại với con người. Nó sẽ chuyển đổi từ ngôn ngữ người dùng thành ngôn ngữ máy tính, sau đó xử lý thông tin dựa trên nguồn dữ liệu có sẵn và chuyển lại sang ngôn ngữ của người dùng.
Khác với các mô hình AI khác, ChatGPT hỗ trợ tốt hơn trong lĩnh vực y tế, bởi sự chính xác, hiểu ngữ cảnh và lượng thông tin khổng lồ. Nó có thể giúp bác sĩ tìm kiếm thông tin, dịch thuật, đọc và tóm tắt y văn, hay chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng, đưa ra hướng điều trị… Bên cạnh đó, ChatGPT còn có khả năng lên ý tưởng, viết luận văn, đề án, ứng dụng theo yêu cầu.
“ChatGPT ra đời như một “trợ lý” đắc lực cho ngành Y hiện tại. Các bác sĩ, điều dưỡng sẽ giảm thời gian để học tập, trau dồi kiến thức về nghiệp vụ y khoa, từ đó tận dụng được tối đa thời gian quý báu để hỗ trợ thêm nhiều bệnh nhân khác”, TS.BS Phúc chia sẻ.
Tuy nhiên, TS.BS Lê Hoàng Phúc cũng lưu ý, các thông tin ChatGPT đưa ra sẽ không được trích nguồn. Điều này khiến người dùng khó kiểm chứng độ xác thực của thông tin. Để ‘moi’ được nguồn trích dẫn, người dùng cần phải biết cách đặt câu hỏi.
Còn những câu trả lời tự động được trích nguồn, độ chính xác sẽ không cao vì ChatGPT thường tự ý sáng tạo ra thông tin mới.
Do đó, con người vẫn là quan trọng nhất, khi tự mình xác thực lại thông tin dựa trên các tài liệu tham khảo. Không để phụ thuộc hoàn toàn vào ChatGPT.
Ngoài ra, các bác sĩ nên sử dụng ChatGPT phiên bản tiếng Anh do nguồn dữ liệu dồi dào và độ chính xác sẽ cao hơn.
TS.BS Hoàng Lê Phúc là tác giả của 20 phiên bản ChatGPT giải quyết các vấn đề liên quan đến nghiệp vụ y tế, như Đọc Y Văn (hỗ trợ đọc và tóm tắt các tài liệu y khoa bằng tiếng Việt và tiếng Anh), EBM Systematic Review Guide (hướng dẫn thực hiện các nghiên cứu tổng quan hệ thống (EBM) theo phương pháp khoa học), EBM Search (tìm kiếm các bài báo khoa học liên quan đến chủ đề y tế cụ thể), Rare Disease Assistant (hỗ trợ chẩn đoán và điều trị các bệnh hiếm gặp), Healthcare Management Assistant (hỗ trợ quản lý các hoạt động y tế), Clinical Pharmacy Assistant (hỗ trợ dược sĩ lâm sàng trong việc tư vấn và điều trị thuốc)…