Tại Hội nghị Đào tạo và Chỉ đạo tuyến do Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) tổ chức, ThS.BS.CK2 Vũ Quang Hòa nhấn mạnh có rất nhiều bệnh lý từ đơn giản đến phức tạp cùng rất nhiều loại thuốc đều có cơ chế làm giảm tiết nước bọt khiến bệnh nhân cảm thấy bị khô miệng, trong đó có thuốc điều trị tim mạch, tăng huyết áp.
40% người trên 80 tuổi mắc chứng khô miệng
Trong bài báo cáo “Chứng khô miệng ở người cao tuổi”, ThS.BS.CK2 Vũ Quang Hòa – Trưởng khoa Khám bệnh Răng miệng, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương chia sẻ, trong một tương lai gần Việt Nam sẽ bước vào dân số già và tiếp theo là dân số siêu già, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước ta.
Chứng khô miệng không làm ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe người bệnh nhưng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của họ.
Chuyên gia cho biết, nước bọt chứa trên 2.000 protein khác nhau thực hiện các chức năng làm ẩm, bôi trơn, bảo vệ, tiêu hóa, cân bằng nội mô môi trường miệng. Ngoài ra, đây là nguồn tiềm năng về dấu ấn sinh học giúp chẩn đoán và theo dõi quá trình điều trị của rất nhiều loại bệnh.
Theo đó, nếu suy giảm tuyến nước bọt sẽ dẫn đến nhiều vấn đề phiền phức. Chuyên gia thông tin, trên thực tế nếu một bệnh nhân đến gặp bác sĩ với các vấn đề khô miệng, giảm tuyến nước bọt, thiếu nước bọt… đó là các triệu chứng chủ quan của khô miệng.
Thông qua các kỹ thuật khám nếu nhận thấy bằng chứng khách quan của việc thay đổi lưu lượng tuyến nước bọt, khi đó bệnh nhân được xác định là suy giảm chức năng tuyến nước bọt.
Có rất nhiều bài đánh giá về dịch căn và dịch tễ của khô miệng, trong đó có một bài báo điển hình, các tác giả nhận thấy tỷ lệ khô miệng ở những người lớn tuổi cao hơn những nhóm tuổi khác. Họ cũng khẳng định tuổi tác là một yếu tố bệnh căn quan trọng của khô miệng.
Ngoài ra, các tác giả trong bài báo cũng nhận thấy nữ giới dễ gặp chứng khô miệng hơn, tuy nhiên nguyên nhân chứng minh cho việc này đến nay vẫn chưa tìm ra. Bên cạnh đó còn có nhiều nguyên nhân khác, các tác giả nhận thấy những người dùng nhiều thuốc và có nhiều bệnh lý, đồng thời sẽ giảm lưu lượng tuyến nước bọt bao gồm cả những bệnh lý liên quan đến tuyến nước bọt như viêm, sởi, nhiễm trùng.
Về mặt dịch tễ, khoảng 30% những người trên 65 tuổi có chứng khô miệng, và nếu trên 80 tuổi, tỷ lệ này có thể lên đến 40%. Vì vậy, tuổi tác cũng là yếu tố rất quan trong trong bệnh căn của chứng khô miệng.
Dẫn chứng của chuyên gia cho thấy, ở một bệnh nhân bị hội chứng Sjogren (bệnh tự miễn mãn tính chống lại những tuyến tiết ra chất ẩm của cơ thể) có thể bị khô miệng và gặp các vấn đề về mắt, khớp. Điều này cho thấy rằng, có rất nhiều bệnh lý từ đơn giản đến phức tạp cùng rất nhiều loại thuốc đều có cơ chế làm giảm tiết nước bọt khiến bệnh nhân cảm thấy bị khô miệng.
Đối với tim mạch, ngay cả những bệnh lý tăng huyết áp và những thuốc điều trị bệnh lý này như thuốc lợi tiểu, thuốc betaloc… đều có cơ chế gây ra khô miệng. Hơn nữa, khi tuổi càng cao càng có nguy cơ mắc nhiều bệnh, sử dụng nhiều thuốc, riêng hai vấn đề này có thể gây ra khô miệng. Bên cạnh đó còn gặp tình trạng suy giảm tuyến nước bọt, điều này là lý do vì sao khô miệng rất phổ biến.
Khó nhai, khó nói, khó nuốt và dễ bị rớt hàm giả là biểu hiện lâm sàng của khô miệng
Về triệu chứng và biểu hiện lâm sàng, vị chuyên gia cho biết có những bệnh nhân không cảm thấy khô miệng và không nhận thấy những thay đổi khác thường của bản thân. Tuy nhiên đa phần các bệnh nhân sẽ cảm thấy khó nhai, khó nói, khó nuốt và dễ bị rớt hàm giả tháo lắp toàn hàm.
Cụ thể, nếu bệnh nhân mất răng toàn bộ sẽ làm hàm giả và dính vào niêm mạc miệng nhờ vào dính hít. Theo đó tuyến nước bọt sẽ tạo khoang kín giúp duy trì áp lực âm, nếu nước bọt không đủ, không khí sẽ len vào và gây rớt hàm giả.
Ngoài ra, bệnh nhân còn cảm thấy khô, đau, bỏng, rát ở niêm mạc miệng, thấy hôi miệng và có thay đổi vị giác, cần uống nước trong bữa ăn, khô miệng trong đêm, khó chịu vùng họng, vùng miệng và phải thức dậy giữa đêm để uống nước.
Đề cập về dấu hiệu của bệnh, ThS.BS.CK2 Vũ Quang Hòa thông tin, bệnh nhân sẽ thấy tuyến nước bọt phì đại, thiếu nước bọt, teo niêm mạc miệng liên quan đến lỗ của các tuyến nước bọt chính, nước bọt có máu hoặc mủ khi sờ nắn của tuyến nước bọt chính… Tuyến nước bọt có vai trò bảo vệ niêm mạc miệng, bảo mệ mô cứng, mô mềm trong miệng, do đó nếu gặp tình trạng khô miệng bệnh nhân có thể bị sâu răng lan tỏa, nhiễm nấm ở niêm mạc miệng, viêm lưỡi…
Về chẩn đoán khô miệng, chuyên gia nhấn mạnh nếu người bệnh đến gặp bác sĩ và than phiền về khô miệng, đó là triệu chứng chủ quan của bệnh. Việc đầu tiên cần đặt ra một số câu hỏi cho bệnh nhân, bản chất những câu hỏi này chỉ để đảm bảo khẳng định vấn đề bệnh nhân đang than phiền là khô miệng, không nhầm lẫn với vấn đề khác.
Có rất nhiều mẫu câu hỏi khác nhau, có thể tham khảo các câu hỏi sau:
Bạn có cảm thấy bị giảm lượng nước bọt?
Bạn có cảm thấy miệng bị khô khi ăn không?
Bạn có gặp khó khăn khi nuốt bất kỳ đồ ăn nào không?
Bạn có uống từng ngụm nước để hỗ trợ việc nuốt thức ăn khô không?
Tuy nhiên, dù những câu hỏi trên được bệnh nhân trả lời có hoặc không, nhiệm vụ của người thầy thuốc vẫn là tìm ra vấn đề khi bệnh nhân than phiền khô miệng.
Có hai test trên lâm sàng bác sĩ Răng Hàm Mặt thường sử dụng để đánh giá khô miệng: một là tìm tổn thương thực thể (thang challacombe); hai là đo lưu lượng nước bọt. Nếu cả hai test đều đo lưu lượng âm tính thì bệnh nhân có thể là vấn đề tâm lý, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị khác. Tuy nhiên nếu cả hai test có kết quả dương tính, bác sĩ cần tiếp tục khai thác bệnh sử và có thể làm một số xét nghiệm để loại trừ những bệnh lý toàn thân, tiền sử sử dụng thuốc của bệnh nhân.
Sau khi loại trừ nhóm này, có thể vấn đề còn lại sẽ nằm trong tuyến nước bọt, bác sĩ có thể tiến hành khám, siêu âm, thậm chí xét nghiệm sinh thiết. Nếu phát hiện các tổn thương của tuyến nước bọt là các tổn thương thực thể cần chú ý bệnh nhân này, còn nếu không có phát hiện bất thường, có thể xem bệnh nhân bị suy giảm chức năng tuyến nước bọt.
Chuyên gia mô tả rõ về hai công cụ khám lâm sàng, đầu tiên là thang Challacombe với 10 triệu chứng (mỗi triệu chứng là 1 điểm), nếu tổng điểm > 3 thì bệnh nhân có nguy cơ cao của khô miệng. 10 triệu chứng bao gồm: gương khám dính niêm mạc má; gương khám dính lưỡi; nước bọt “có bọt”; không có nước bọt đọng lại trên niêm mạc sàn miệng; gai lưỡi teo ngắn; thay đổi cấu trúc nướu (bóng láng…); niêm mạc bóng như kính (khẩu cái…); lưỡi nứt nẻ/ phân thùy; sâu cổ răng > 2 răng; và mảng bám trên khẩu cái hoặc dính trên răng.
Test thứ hai là đo lưu lượng nước bọt, bác sĩ sẽ dùng 3 ống nghiệm, trong đó bệnh nhân sẽ nhả nước bọt vào ống nghiệm đầu tiên trong thời gian 3 phút; ống nghiệm thứ hai sẽ cho bệnh nhân nhai một cục kẹo cao su để kích thích tuyến nước bọt sau đó nhả nước bọt vào ống nghiệm; ống nghiệm thứ ba là cho bệnh nhân ngậm kẹo và nhả nước bọt vào ống nghiệm.
Thông thường đối với người bình thường lưu lượng nước bọt có kích thích sẽ từ 1,5-2,0 ml/phút. Còn nước bọt không kích thích sẽ dao động khoảng 0,3-0,4 ml/phút. Nếu hai loại nước bọt này giảm xuống 1/3 ml/phút, bác sĩ có thể xác định bệnh nhân có giảm chức năng tiết nước bọt.
Điều trị chứng khô miệng cho bệnh nhân ở hiện tại và hứa hẹn trong tương lai
Về điều trị chứng khô miệng, vị chuyên gia trình bày thông tin phác đồ điều trị cho thấy việc đầu tiên cần làm là chẩn đoán khô miệng và/hoặc có rối loạn chức năng tuyến nước bọt (RLCN TNB); sau chẩn đoán cần loại bỏ nguy cơ và/hoặc các yếu tố căn nguyên (nếu có thể).
Chuyên gia nhấn mạnh, trong tất cả các phác đồ điều trị hiện nay luôn quan trọng việc cá nhân hóa, lấy người bệnh làm trung tâm để từ đó đảm bảo quản lý được các yếu tố bệnh căn, ví dụ như bệnh nhân có sử dụng một số loại thuốc thì nên hạn chế cho bệnh nhân. Bên cạnh đó phải chú ý ngăn ngừa sự khởi phát/tiến triển của các biến chứng. Đồng thời tiến hành khôi phục hình thể, chức năng của các cấu trúc và quản lý các biến chứng. Nếu bệnh nhân ở giai đoạn mạn tính, điều quan trọng là cần đánh giá và theo dõi, quản lý (nếu cần).
Chuyên gia dẫn chứng một số phương pháp cụ thể để quản lý chứng khô miệng như: sử dụng các chất thay thế nước bọt, chất bôi trơn… bản chất của những loại chất này chỉ tạo chất bôi trơn cho niêm mạc miệng, nghĩa là chỉ cải thiện các triệu chứng chủ quan, không gây ra tanh nước bọt, hiệu quả ngắn nên cần sử dụng nhiều lần.
Những bệnh nhân lớn tuổi sẽ bị suy giảm chức năng và tiết nước bọt, tuy nhiên họ vẫn bỏ sót các nang tuyến có khả năng tiết nước bọt, mà lưu lượng nước bọt kích thích thường cao hơn 5 lần so với luu lượng nước bọt không kích thích, do đó có thể cho bệnh nhân sử dụng kẹo cao su không đường lặp lại nhiều lần để tạo ra lưu lượng nước bọt kích thích cho bệnh nhân.
Trường hợp hai phương pháp trên không đạt hiệu quả, có thể cần sử dụng các thuốc kích thích tiết nước bọt, thuốc chủ vận như thuốc chủ vận không đặc hiệu pilocarpine hoặc thuốc chủ vận đặc hiệu là cevimeline. Bản chất của hai loại đều hiệu quả ngang nhau, tuy nhiên do cevimeline có tác dụng đặc hiệu hơn trên một số tuyến nên tác dụng phụ của loại này sẽ ít hơn, do đó để đạt hiệu quả tốt nên cho bệnh nhân sử dụng cevimeline.
Đối với nhóm pilocarpin để đạt hiệu quả tốt nên sử dụng trước khi ăn 30 phút để nước bọt tiết đủ trong bữa ăn, đặc biệt cần tăng liều từ từ để giảm tác dụng phụ. Do tác dụng phụ của nhóm thuốc này nên chống chỉ định với những người có vấn đề về tim mạch, phổi, tăng huyết áp, loét dạ dày, tăng nhãn áp và phản xạ niệu đạo, bệnh nhân dùng thuốc chẹn beta.
Nếu bệnh nhân là người không chịu được tác dụng phụ, bác sĩ có thể cho liều giảm xuống 1/3 và sử dụng vừa phải cũng có thể mang lại lợi ích cho bệnh nhân hoặc hòa tan vào nước, cho bệnh nhân ngậm trong miệng sau đó nhả ra cũng có thể mang lại tác dụng. Việc dùng thuốc phải thực hiện hàng ngày, kéo dài trong thời gian vừa đủ để thuốc có tác dụng.
Bên cạnh đó, trong điều trị cũng cần chú ý đến chiến lược phòng tránh bao gồm: tránh đồ uống caffeine, axit hoặc cồn (gây mất nước); tránh thuốc có thể làm khô miệng; sử dụng máy tạo độ ẩm ban đêm (cạnh giường).
Chuyên gia chia sẻ một số cách phòng ngừa biến chứng, vì suy giảm tuyến nước bọt có thể gây ra sâu răng và nhiễm trùng cơ hội, do đó người bệnh cần đảm bảo vệ sinh răng miệng thật tốt, xây dựng chế độ ăn tốt không gây sâu răng và phải đến gặp nha sĩ mỗi 6 tháng. Có những phương pháp nha sĩ sẽ chỉ định cho nhóm bệnh nhân này như sử dụng những loại kem đánh răng có hàm lượng fluoride theo đơn để giảm sâu răng, các chất bôi tại chỗ như chlorhexidine để bảo vệ răng và niêm mạc.
Bên cạnh đó khi giảm nước bọt sẽ giảm khả năng tái thoái hóa mô răng, vì vậy có thể cung cấp một số chất như canxi photphat cho bệnh nhân để giảm nguy cơ sâu răng của người bệnh.
Chuyên gia cũng đề cập một số phương pháp có thể xem xét đến ở trong tương lai như: phẫu thuật di chuyển tuyến dưới hàm, đặc biệt là những bệnh nhân xạ trị, việc di chuyển hàm dưới giúp bảo vệ tuyến nước bọt trước tác hại của tia xạ. Một số liệu pháp gen, sử dụng các kênh virus hoặc không virus để tăng biểu hiện của các kênh nước hồi sinh, từ đó tăng tiết nước bọt. Ngoài ra còn một số phương pháp sử dụng tế bào gốc tự thân và các liệu pháp tế bào gốc khác… tuy nhiên các phương pháp này chỉ đang trong quá trình nghiên cứu và phát triển, cần thêm thử nghiệm lâm sàng và có chi phí khá cao, nhưng nếu áp dụng thành công, rộng rãi chắc chắn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh.
Chuyên gia thông tin ở hiện tại, việc điều trị rất đơn giản chỉ gồm ba phần: Thứ nhất, cải thiện vệ sinh răng miệng tổng thể và có thể sử dụng các loại chất kích thích tiết nước bọt.
Thứ hai là điều trị tăng độ ẩm cho khoang miệng bằng bôi trơn, chất thay thế nước bọt.
Thứ ba, sử dụng thuốc cholinergic nhưng cần được đánh giá cẩn thận nếu bệnh nhân có bệnh sử phức tạp hoặc đang điều trị bằng nhiều loại thuốc.