(PLO)- Bệnh viện Thống Nhất vừa phẫu thuật cứu sống ngoạn mục bệnh nhân bị dao đâm xuyên cổ, tiên lượng tử vong cao.
Ngày 24-7, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) chia sẻ thông về ca bệnh nhân bị dao đâm xuyên cổ tổn thương vùng cổ rất phức tạp được cứu sống ngoạn mục.
Bệnh nhân là TĐL (39 tuổi, ngụ Tây Ninh). Trước đó, anh L đi nhậu với bạn ở quận 12. Trong cuộc nhậu xảy ra xích mích, anh L bị bạn dùng dao đâm vào cổ bất tỉnh.
Ngay sau đó, anh được đưa vào bệnh viện tuyến cơ sở sơ cứu, băng ép vết thương và chuyển nhanh đến Bệnh viện Thống Nhất.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Đỗ Nhân, khoa Ngoại tim mạch – lồng ngực (Bệnh viện Thống Nhất), cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng được băng vùng cổ, phù nề, hôn mê. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc trụy tim, mạch huyết áp không đo được, tổn thương não nặng, đồng tử co nhỏ, phản xạ ánh sáng chậm, hôn mê.
Vết thương đâm xuyên cổ trái khoảng 6 cm, phù nề biến dạng cổ trái gây chèn ép khí quản cổ, tiên lượng tử vong cao.
Bệnh viện phát động quy trình báo động đỏ, phối hợp cấp cứu và hội chẩn toàn viện. Bệnh nhân được hồi sức, trợ tim mạch, đặt nội khí quản giúp thở và băng cầm máu.
Hội chẩn cấp cứu nhận thấy tổn thương vùng cổ rất phức tạp, nghi đứt mạch máu quan trọng gây mất máu cấp, tổn thương não, hôn mê, chưa loại trừ tổn thương khí quản và cơ quan khác.
Bệnh nhân được chuyển mổ khẩn. Bác sĩ ghi nhận vết đâm xuyên cổ từ trái hướng ra trước giữa vào khí quản cổ gây rách 90% động mạch cảnh chung trái kèm huyết khối lan tỏa lòng mạch.
Ngoài ra, bệnh nhân còn bị đứt rời cực trên tuyến giáp, đứt động mạch giáp trên. Tổn thương gây tụ máu diện rộng vùng cổ, chèn ép khí quản, bao cảnh, chảy tràn xuống trung thất tim.
“Với trường hợp vết thương đâm xuyên cổ, thông thường sẽ theo đường mổ cạnh vết thương (mổ kinh điển). Tuy nhiên, đây là trường hợp tối khẩn, ê-kíp phẫu thuật quyết định mổ đường trước bên vào ngay bao cảnh và khí quản.
Đây là kỹ thuật mổ biến đổi nhằm kiểm soát động mạch cảnh tinh vi và xử trí tổn thương nhanh nhất có thể để cứu não, vì để càng lâu não càng chết” – bác sĩ Nhân chia sẻ.
Bệnh nhân được mổ khâu phục hồi động mạch cảnh, kiểm soát tái tưới máu đạt hiệu quả, khâu phục hồi tuyến giáp, lấy máu tụ tránh cục máu đông trôi lên não. Ca phẫu thuật diễn ra khoảng 5 tiếng.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân hồi tỉnh sau 60 phút, tự thở khí trời. Sau mổ 5 ngày, bệnh nhân đi lại chủ động, ăn uống khá, không yếu liệt, vận động tri giác phục hồi hoàn toàn.
Bác sĩ Nhân chia sẻ thêm, khoảng 2 năm gần đây, Bệnh viện Thống Nhất tiếp nhận nhiều ca cấp cứu do ẩu đả, số nạn nhân có những vết thương vùng cổ tăng cao. Vết thương vùng cổ gây tỉ lệ tử vong cao hơn cả vết thương tim, vì ở vùng cổ các cơ quan quan trọng đều nằm gần sát da, động mạch cổ chỉ cách da 3-4 cm. Khi bị thương vùng cổ, bệnh nhân sẽ nhanh chóng ngất do mất máu đột ngột, sốc mất máu.
Với các trường hợp tổn thương vùng cổ, tốt nhất nên băng ép cầm máu tại hiện trường và chuyển bệnh nhân đến bệnh viện thật nhanh. Cần tăng cường phối hợp giữa y tế cơ sở và y tế tuyến trên để nhanh chóng đánh giá tổn thương vùng cổ, chuyển viện khẩn cấp.