Đi tiêu ra máu đỏ bầm, phân đen, một nữ sinh 21 tuổi nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa dưới ồ ạt. Sau khi hồi sức và xác định vị trí chảy máu, Bệnh viện Thống Nhất đã tiến hành phẫu thuật cứu sống bệnh nhân ngay sau đó.
Trường hợp là nữ sinh T.L, 21 tuổi. Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện đi tiêu phân đen kèm máu đỏ bầm, kết quả xét nghiệm Hemoglobin chỉ còn 5.8g/dl.
BS.CK1 Vũ Lộc – Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Thống Nhất cho hay, qua chụp CT bụng cản quang, phát hiện dị dạng mạch máu gây chảy máu với tình trạng thoát mạch trong lòng ruột. Vị trí dị dạng rất to nên không thể can thiệp mạch trực tiếp. Rất nhanh chóng, một cuộc hội chẩn được diễn ra với ê-kíp phẫu thuật, ê-kíp can thiệp mạch và lãnh đạo khoa Ngoại. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định thả coil xác định vị trí chảy máu và phẫu thuật cấp cứu ngay lập tức.
TS.BS.CK2 Hồ Hữu Đức – Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ: “Trước khi can thiệp, chúng tôi xác định đến 3 vị trí chảy máu. Điều khó nhất khi can thiệp ruột non là xác định vị trí cần can thiệp. Ruột non dài từ 5-7 mét nên việc xác định nhanh chóng vị trí chảy máu trong lòng ruột hầu như không thể. Chúng tôi dự trù trước điều này nên đã đề nghị ê-kíp thả coil xác định vị trí chảy máu. Nhờ sự phối hợp của ê kíp can thiệp mạch, chúng tôi xác định vị trí rất nhanh, do đó thời gian mổ chỉ kéo dài khoảng 1 tiếng”.
“Sau 3-4 tiếng phẫu thuật, da niêm bệnh nhân đã hồng hào và hoàn toàn tỉnh táo. Sau nửa ngày, bệnh nhân có thể ngồi dậy vận động bình thường. Sau 10 ngày phẫu thuật, kết quả xét nghiệm Hemoglobin của bệnh nhân đã lên 11.8g/dl, gần như ổn định, vết mổ lành tốt, bệnh nhân có thể sinh hoạt, ăn uống bình thường” – BS.CK1 Vũ Lộc – Khoa Ngoại Tiêu hóa cho hay.
TS.BS.CK2 Hồ Hữu Đức nhận định, xuất huyết tiêu hóa bao gồm 50% xuất tiêu hóa trên, 40% xuất huyết tiêu hóa dưới, 10% xuất huyết từ ruột non. Xuất huyết từ ruột non do nhiều nguyên nhân như từ khối u, viêm, loét. Tuy nhiên, dị dạng mạch máu chỉ chiếm từ 1-2% và xuất hiện bất thường. Hiện tại vẫn chưa xác định nguyên nhân hình thành dị dạng.
Trường hợp này nếu không được xác định và can thiệp kịp thời, bệnh nhân sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Nếu dị dạng mạch máu to, bệnh nhân sẽ mất máu, ngưng tim trong vòng 5-6 tiếng.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, bệnh nhân bị dị dạng mạch máu ở ruột non hầu như không có triệu chứng. Trong trường hợp xuất huyết rõ ràng, bệnh nhân có thể đi cầu ra máu, còn trường hợp nhẹ hầu như không có triệu chứng. Chỉ khi bệnh nhân tầm soát tìm máu ẩn trong phân, sau đó xét nghiệm kiểm tra nguyên nhân mới hy vọng phát hiện bệnh sớm.
Do đó, chuyên gia khuyến cáo, nếu bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa có triệu chứng đi cầu ra máu, nôn ra máu nên đến bệnh viện sớm để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, tránh nguy cơ tử vong.