1. Triệu chứng
Xương đòn nằm ở vị trí giữa lồng ngực và phần bả vai nối với cánh tay. Khi xương đòn vai bị gãy, người bệnh sẽ gặp phải một số triệu chứng như sau:
– Đau và sưng nề tại vị trí bị gãy.
– Có hiện tượng xương gồ lên dưới vùng da bị chấn thương.
– Khi ấn vào vị trí chấn thương có hiện tượng bập bềnh giống như phím đàn Piano.
– Nghe thầy có tiếng lạo xạo hoặc những âm thanh bất thường khác.
– Giảm hoặc mất khả năng vận động khớp vai
Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác tình trạng gãy xương đòn vai, bác sĩ không chỉ dựa vào những triệu chứng lâm sàng nói trên mà còn cần thực hiện một số phương pháp khác như chụp X-quang thẳng nghiêng xương đòn. Kết quả chụp X-quang sẽ giúp bác sĩ xác định được vị trí gãy, đường gãy và các tổn thương kèm theo.
2. Điều trị gãy xương đòn vai bằng các phương pháp nào?
Sau khi đã xác định được chính xác tình trạng, tính chất và mức độ gãy xương đòn vai của người bệnh, các bác sĩ sẽ cân nhắc để lựa chọn phác đồ phù hợp nhất. Dưới đây là những phương pháp điều trị thường được áp dụng:
2.1. Điều trị bảo tồn
Xương đòn thường dễ liền hơn các loại xương ở nhiều vị trí khác. Tuy nhiên, việc nắn chỉnh cũng như cố định xương đòn lại khá phức tạp. Chính vì thế, nhiều trường hợp bị liền lệch. Tuy nhiên, tình trạng này thường không ảnh hưởng quá nhiều đến chức năng vai.
Trước đây, để cố định xương đòn, người bệnh thường được chỉ định bó bột. Nhược điểm của phương pháp này là gây ra rất nhiều bất tiện trong sinh hoạt cho người bệnh. Trong những năm gần đây, thay vì bó bột, người bệnh sẽ được áp dụng một phương pháp khác, hiệu quả và nhẹ nhàng hơn. Đó là sử dụng áo Desault hay băng số 8 nhằm cố định phần xương bị gãy, giúp xương liền nhanh và hạn chế nguy cơ liền lệch.
2.2. Điều trị phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng đối với những trường hợp sau:
+ Tình trạng gãy xương ảnh hưởng đến các mạch máu, các dây thần kinh, gây thủng màng phổi, chọc thủng da hoặc xương bị gãy di lệch nghiêm trọng, gãy xương đòn kéo theo tình trạng gãy xương sườn hay xương vùng chi trên,…
+ Người bệnh bị gãy hở.
Hiện nay, 2 loại phẫu thuật được áp dụng nhiều nhất là phẫu thuật kết hợp xương bằng nẹp vít và bằng đinh Kirschner.
Cũng giống như các loại phẫu thuật khác, phẫu thuật điều trị xương đòn vai cũng tồn tại những nguy cơ rủi ro nhất định, chẳng hạn như nhiễm trùng vết mổ, tình trạng viêm xương, chồi đinh gãy nẹp, có sẹo vết mổ gây mất thẩm mỹ,…
Thông thường, với phương pháp điều trị bảo tồn, bệnh nhân cần 2 đến 3 tháng để xương liền trở lại. Đối với phương pháp phẫu thuật, người bệnh có thể hoạt động sớm hơn do có các phương tiện đặt bên trong xương. Tuy nhiên, thời gian liền xương của mỗi người cũng sẽ khác nhau. Người bệnh nên tái khám để được bác sĩ theo dõi và có phương pháp xử trí khi xảy ra bất thường trong quá trình hồi phục xương.
Nếu có thắc mắc về vấn đề gãy xương đòn hay có nhu cầu kiểm tra, thăm khám sức khỏe xương, mời bạn liên hệ đến khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình – Bệnh viện Thống Nhất
Khoa Ngoại Chấn thương – Chỉnh hình
Lầu 1, nhà A6, Bệnh viện Thống Nhất, số 1 Lý Thường Kiệt, phường 7, quận Tân Bình, TP.HCM.
Hotline: 0965 696 940 hoặc 0902 696 422
Email: khoangoaictchbvtn@gmail.com
Trích nguồn: Fanpage khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Thống Nhất