Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn hướng tới một chủ nghĩa nhân văn cao cả và trong sáng. Điều đó đã trở thành hoài bão, là mục tiêu và động lực chiến đấu kiên cường và bất khuất của Người. Mục tiêu lý tưởng của chủ nghĩa nhân văn Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và đi đến giải phóng triệt để con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng con người là gốc của mọi công việc. Mối quan tâm lớn nhất, xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vấn đề con người và sự phát triển con người một cách toàn diện, trong đó xem sức khỏe là vốn quý nhất. Người đưa ra những tư tưởng, quan điểm về sức khỏe, về xây dựng và phát triển ngành Y tế Việt Nam từ những tinh túy văn hóa dân tộc và nhân loại. Trong hệ thống các quan điểm đó, vấn đề về y đức được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Tư tưởng y đức của Người là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình chỉ đạo xây dựng và phát triển nền y học nước ta.
Dân tộc Việt Nam đã trải qua mấy ngàn năm lịch sử, đã tích lũy được rất nhiều tri thức và kinh nghiệm về nhiều lĩnh vực, trong đó có những tri thức bảo vệ sức khỏe, duy trì và phát triển nòi giống và đã sản sinh ra nhiều danh y nổi tiếng. Tiêu biểu nhất cho các danh y dân tộc là hai đại danh y Tuệ Tĩnh (thế kỷ XIII) và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (thế kỷ XVIII). Các danh y đã để lại cho hậu thế của dân tộc một khối lượng tri thức phong phú về y lý, y đức, y thuật và những bài thuốc quý. Cũng trong quá trình xây dựng nền y học dân tộc, các danh y của ta đã khẳng định yếu tố cơ bản, yếu tố gốc của người thầy thuốc là y đức. Làm nghề y là theo phương châm trị bệnh cứu người. Con người phải được đối xử bình đẳng trong chữa trị bệnh.
Sau hơn 20 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo nhân dân ta giành được nhiều thành tựu kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đứng trước những thời cơ và thách thức mới, đó là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nhiều ưu điểm nhưng những tác động tiêu cực của nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề giữ gìn phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc. Trước thực trạng đó, dưới ánh sáng của nghị quyết các Đại hội Đảng và vận dụng tư tưởng y đức Hồ Chí Minh, ngành Y tế đã tích cực nhạy bén, chủ động đề ra “Định hướng chiến lược công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân đến năm 2010 và 2020″ và đề ra các quy định về y đức và tiêu chuẩn nâng cao y đức, cùng các vấn đề liên quan đến xây dựng và hoàn thiện nhân cách người thầy thuốc trong giai đoạn hiện nay. Đây là những công việc thật hợp lòng dân. Trong phạm vi chuyên đề này, chúng ta cùng chia sẻ với nhau về việc ngành Y tế học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về y đức.
Không có nghề nào lại đi vào đời sống con người một cách sâu sắc và cấp thiết như nghề y, nó đi liền với sự xuất hiện con người và chắc chắn sẽ tồn tại cho đến khi không còn sự sống của loài người trên trái đất này. Cũng không có nghề nào như nghề y mà một lỗi lầm hay một thiếu sót dù nhỏ lại có thể gây nên những tác hại lớn đến sức khỏe và thậm chí đến tính mạng của con người, mà người người mắc lỗi có khi không còn cơ hội sửa chữa, khắc phục được nữa. Đã từ lâu, người ta đã coi nghề y là một nghề quan trọng, đặc biệt, một nghề nhân đạo có quan hệ đến đời sống và tính mạng con người, đến hạnh phúc của từng gia đình, tương lai nòi giống, đến sức khỏe và sự cường thịnh của một dân tộc, của toàn xã hội.
Chính vì vị trí đặc biệt của ngành Y, mà hàng ngàn năm trước Công nguyên, lúc xã hội còn phụ thuộc vào thần quyền, tôn giáo, cả dưới các chế độ nô lệ, phong kiến và tư bản, loài người từ Đông sang Tây đã nêu cao vấn đề y đức. Những lời thơ dân gian, những đạo luật, những điều thuyết giảng trong tôn giáo, những phần thưởng và hình phạt, những điều răn trong triết học và những lời thề của thầy thuốc, những lời dạy của các bậc danh y, những tiêu chuẩn, quy chế và luật pháp về y đức trong hành nghề y, dược… đã được sử dụng trong các thời đại khác nhau để giáo dục và bảo đảm giữ gìn đạo đức người thầy thuốc.
Hippocrate, Ông tổ nghề Y, 377 năm trước Công nguyên đã nêu lên những nội dung cụ thể về y đức trong lời thề mà đến nay từ thầy giáo đến các học sinh trường y, từ bác sĩ đến các nhân viên điều dưỡng, hộ lý đều ghi nhớ:
– “Tôi sẽ cho chế độ ăn uống có lợi cho bệnh nhân phù hợp với bệnh trạng, thể theo quyền hạn và suy xét của tôi, tôi sẽ không cho thuốc giết người, nếu có ai yêu cầu và cũng không khởi xướng một gợi ý như vậy”.
– “Tới nhà ai, tôi cũng chỉ vì quyền lợi của bệnh nhân, sẽ tránh tất cả mọi hành động đồi bại và nhất là những cử chỉ lả lơi trên thân thể nữ giới cũng như nam giới, bất kể người đó là người tự do hay nô lệ”.
– “Những điểm liên quan đến đời sống của người khác, đáng phải bảo mật, mà trong phạm vi hay ngoài phạm vi nghề nghiệp, tôi nhìn thấy hay nghe thấy, tôi sẽ không bao giờ thổ lộ”.
Ở Việt Nam, các bậc danh y như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông đã có những di huấn về y đức quý báu để lại. Hơn 200 năm trước đây, ở nước ta, đại danh y Hải Thượng Lãn Ông đã từng nói: “Suy nghĩ sâu xa, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người: Sống chết trong tay mình nắm, phúc họa trong một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng!”. Ông đã nêu lên chín điều răn dạy rất cụ thể và sâu sắc mà thầy thuốc thường gặp, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Cố giáo sư Hồ Đắc Di, một trong những thầy thuốc tiêu biểu của ngành Y tế Việt Nam đã nói với nhiều lớp học viên ngành y: “Trong mọi nghề, có lẽ nghề thầy thuốc và nghề thầy giáo là hai nghề cao thượng nhất: Một mang lại sự sống, một mang lại trí tuệ. Cả hai đều đòi hỏi lương tâm trong sáng”.
Kế thừa truyền thống y đức của ông cha ta, tiếp thu tinh hoa y đức nhân loại, trên cương vị là lãnh tụ kính yêu của dân tộc và một nhà văn hóa lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc trau dồi, rèn luyện y đức – đạo đức của người thầy thuốc, người cán bộ y tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những lãnh tụ cách mạng bàn nhiều nhất về đạo đức. Nếu như mọi người đều có thể tìm thấy trong di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh những quan điểm, tư tưởng đạo đức phù hợp với mình thì cán bộ, nhân viên ngành y, nhận rõ điều đó nhất. Có thể nói, sau đạo đức của người cán bộ cách mạng nói chung, đạo đức ngành Y được Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn đến nhiều nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng cán bộ, nhân viên ngành Y danh hiệu cao quý và đẹp đẽ nhất: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”. Đây chính là yêu cầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra trong phương châm xử thế, phương châm hành động và phục vụ của các bộ và nhân viên ngành y đối với người bệnh.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong những bức thư gửi Trường Quân y năm 1946, Hội nghị Quân y năm 1948, Trường y tá Liên khu I năm 1949, Hội nghị Y tế toàn quốc năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh đến trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương, lòng bác ái, hy sinh, sự tận tâm phục vụ, tinh thần đoàn kết học tập tiến bộ và ý thức kỷ luật của cán bộ, nhân viên ngành Y.
Cùng với tư tưởng về y đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Thư gửi Hội nghị cán bộ y tế tháng 2-1955: “Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”.
Trong tình thương yêu, có lẽ không có tình thương yêu nào đầm ấm, sâu sắc bằng tình thương của người mẹ. Trong cuộc sống, không có mối tình nào so sánh được với tình mẫu tử. Người thầy thuốc tận tâm, tận lực cứu sống những người bệnh thập tử nhất sinh cũng được coi như người mẹ tái sinh cuộc sống cho họ.
Từ tấm lòng lương y như từ mẫu mà nảy sinh ra những đức tính cần thiết của người cán bộ y tế như niềm nở, dịu dàng trong tiếp xúc, tận tình, cẩn trọng, chu đáo khi chăm sóc, ân cần, tỉ mỉ lúc dặn dò và trong những trường hợp khó khăn, nguy kịch thì sẵn sàng chịu khó, chịu khổ, hy sinh, quên mình để làm tròn phận sự cứu người. Có tình thương của người mẹ hiền thì người thầy thuốc tránh được những thói xấu như cầu lợi, kể công, phân biệt đối xử giữa giàu, nghèo, sang, hèn, hách dịch, lạnh lùng khi tiếp xúc, qua loa, tắc trách trong phục vụ, đố kỵ, kèn cựa với đồng nghiệp… “Thầy thuốc như mẹ hiền” là cốt lõi của đạo đức ngành y.
Điều làm cho những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sức thuyết phục và sức cảm hóa rất mạnh là vì Người đã nêu tấm gương sáng chói nhất trong lịch sử nước ta về lòng thương yêu vô hạn đối với nhân dân, về đức hy sinh cao cả, hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc, mưu độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc. Đó là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người Bộ trưởng Y tế đáng kính, chỗ nào có dịch, có bệnh là Ông tìm đến. Phạm Ngọc Thạch đã vượt qua bom đạn, rừng núi vào tận chiến trường với quyết tâm tìm ra phương thức, cách chữa đạt hiệu quả cao đối với đồng bào, chiến sĩ miền Nam và Ông đã hy sinh trên chiến trường ngày 7/11/1968 trong khi thực hiện sứ mệnh cao cả đó. Đó là Giáo sư Tôn Thất Tùng với hai “bàn tay vàng” đã cứu sống biết bao nhiêu người, bằng phương pháp mổ gan không chảy máu nổi tiếng trên thế giới. Đó còn là Giáo sư Đặng Văn Ngữ, người thầy thuốc có công to lớn trong công cuộc chống sốt rét ở nước ta thời chống Pháp và chống Mỹ. Không chỉ bộ trưởng, giáo sư nổi tiếng mới thấm nhuần và hành động theo tư tưởng y đức Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trong y tá, hộ lý cũng xuất hiện những người tiêu biểu về y đức, được chính Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận, khen ngợi.
Trên cơ sở học tập, quán triệt tư tưởng “Thầy thuốc như mẹ hiền”, từ kinh nghiệm phục vụ ở các cơ sở khám, chữa bệnh, cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch đã nêu lên ba yêu cầu ngắn gọn, để cán bộ, nhân viên dễ nhớ, dễ làm theo là:
– Đến, tiếp đón niềm nở,
– Ở, chăm sóc tận tình
– Đi, dặn dò ân cần.
Năm 1979, quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”, Bộ Y tế đã đề ra năm tiêu chuẩn người cán bộ y tế nhân dân để cán bộ, nhân viên toàn ngành dựa vào đó tự rèn luyện và giúp đỡ nhau tiến bộ.
Năm 1982, trong Chỉ thị “Về thực hiện chế độ tự phê bình và phê bình hằng năm theo thư của Hồ Chí Minh”, Bộ Y tế còn nêu rõ những yêu cầu cụ thể về lòng “thương yêu người bệnh” cho từng loại cán bộ, nhân viên ở các lĩnh vực công tác khác nhau, để việc liên hệ, kiểm điểm và rèn luyện được dễ dàng. Chỉ thị nêu lên những việc cần làm đối với cán bộ, nhân viên từng lĩnh vực của ngành Y tế:
– Đối với cán bộ, nhân viên làm công tác vệ sinh phòng chống dịch, cần khắc phục khó khăn, bám sát thực địa, nắm chắc tình hình, vừa làm đầy đủ và có hiệu quả công tác chuyên môn, kỹ thuật, vừa làm tốt công tác vận động quần chúng, phối hợp với các ngành và các đoàn thể áp dụng các biện pháp vệ sinh, để ngăn ngừa dịch, bệnh, theo dõi, phát hiện và dập dịch nhanh chóng. Đồng thời chống mọi hiện tượng ngại khó, ngại khổ, quan liêu, đại khái, lơ là thiếu cảnh giác, thiếu trách nhiệm.
– Đối với cán bộ, nhân viên ở các cơ sở khám và chữa bệnh, cần phải có thái độ niềm nở, hòa nhã, quý trọng, lễ độ và thông cảm với người bệnh; cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cho thuốc, làm các thủ thuật một cách kịp thời, chu đáo, tỉ mỉ, thận trọng, chính xác; tiếp đón, săn sóc về ăn, ở, về vệ sinh trật tự một cách ân cần, chu tất; thực hiện các chức trách, chế độ một cách nghiêm ngặt… Không được có thái độ coi thường, lạnh nhạt, dùng những lời nói xách mé, vô lễ đối với người bệnh và gia đình; không được đùn đẩy, gây phiền hà cho bệnh nhân; không được tùy tiện, qua loa, tắc trách… dẫn đến bỏ sót bệnh, nhầm lẫn, sai sót có hại cho sức khỏe và tính mệnh người bệnh; không được lợi dụng nghề nghiệp, hối lộ, bớt xén thuốc men và tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm của người bệnh…
– Đối với cán bộ, công nhân làm công tác dược, cần nhấn mạnh tinh thần tự lực, quyết tâm phấn đấu tạo thêm nguồn nhiên liệu, vật tư, bao bì, thi đua sản xuất, pha chế thuốc men đạt năng suất và chất lượng cao, đồng thời đẩy mạnh phong trào thuốc Nam, đáp ứng được những nhu cầu về phòng bệnh và chữa bệnh của nhân dân, phân phối thuốc đến tay người dùng một cách thuận tiện…, không ỷ lại, chờ đợi, bó tay trước khó khăn; không được chạy theo lợi nhuận mà làm bừa, làm ẩu, thiếu quan tâm đến các mặt hàng cần thiết, đến công thức và tiêu chuẩn chất lượng thuốc; không được móc ngoặc, trao đổi hàng hóa, lấy cắp và tuồn thuốc ra thị trường tự do…
– Đối với các trường đạo tạo cán bộ y – dược, cần đề cao trách nhiệm, khắc phục khó khăn để dạy tốt, học tốt và chăm lo đời sống và điều kiện giảng dạy, học tập. Thầy phải gương mẫu, giáo dục học sinh một cách toàn diện, trò phải chăm học và thường xuyên rèn luyện về đạo đức, về ý thức tổ chức kỷ luật, về tinh thần phục vụ, nhân viên phải bảo đảm các mặt công tác tổ chức và hậu cần… Chống mọi hiện tượng thiếu mẫu mực, những hiện tượng chây lười, vô tổ chức, vô kỷ luật, buông thả về đạo đức và lối sống trong học sinh…
– Đối với cán bộ lãnh đạo và quản lý, lòng thương yêu người bệnh phải được thể hiện ở tinh thần phụ trách cao, ở lề lối làm việc có chương trình, kế hoạch và có biện pháp kiên quyết thực hiện kế hoạch, ở tác phong sâu sát cơ sở, sâu sát quần chúng, tận tụy và hết lòng phục vụ sức khỏe nhân dân, chăm lo giáo dục tư tưởng và đời sống cán bộ, ở tinh thần không ngừng nâng cao trình độ công tác và năng lực lãnh đạo. Đồng thời khắc phục tư tưởng thiếu trách nhiệm, ngại quản lý, lùi bước trước khó khăn, bỏ qua những sai lầm của cán bộ, nhân viên; quan liêu, bảo thủ, trì trệ; thiếu gương mẫu trong công tác, học tập và sinh hoạt…
Những năm gần đây, dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường, y đức trở thành vấn đề bức xúc. Trước tình hình đó, ngành Y tế đã có những chủ trương, biện pháp với quyết tâm xây dựng y đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngày 23/3/1996, Bộ Y tế đã có Chỉ thị số 04-BYT về vấn đề y đức. Tiếp đó, ngày 6/11/1996, Bộ Y tế lại có Quyết định số 2088/BYT-QĐ, 12 điều về y đức.
Có thể nói những qui định về y đức nêu trên được dư luận trong ngành và cả nước ủng hộ. Những điều quy định đó đã giúp cho việc giáo dục, rèn luyện, tự phê bình và phê bình, cũng như cổ vũ phong trào thi đua phấn đấu trở thành những cán bộ, nhân viên, học sinh ưu tú… ở các cơ sở y, dược, các trường đào tạo của ngành.
Đi đôi với những nội dung về y đức đã được cụ thể hóa thành các tiêu chuẩn của người cán bộ y tế, ngành Y tế còn xây dựng các điều lệ, chức trách, chế độ, quy trình kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng… cho các cơ sở điều trị, phòng bệnh, sản xuất và phân phối thuốc. Việc Nhà nước ban hành các điều luật và các văn bản dưới luật về bảo vệ sức khỏe, về môi trường, về hành nghề y, dược đã tạo cơ sở để cán bộ, nhân viên ngành Y tế nâng cao trách nhiệm và y đức.
Bước vào thời kỳ mới, ngành Y tế nước ta có nhiều điều kiện phát triển, đội ngũ cán bộ y tế có nhiều tiến bộ và cống hiến to lớn, nhưng cũng đứng trước những thách thức mới, trong đó có sự xuống cấp về y đức.
Nước ta là một nước nghèo, chậm phát triển và trải qua chiến tranh lâu dài nên để lại những hậu quả nặng nề về sức khỏe cho nhân dân. Những bệnh dịch và bệnh xã hội như sốt rét, lao, bướu cổ… còn đang là mối lo của đất nước, thì những bệnh và tệ nạn của thời đại đã lan tràn đến Việt Nam: bệnh HIV/AIDS, các bệnh nhiễm khuẩn đường tình dục, tai nạn giao thông, bệnh ung thư và tim mạch, bệnh suy dinh dưỡng ở trẻ em, bệnh suy giảm miễn dịch do suy dinh dưỡng… đã trở thành gánh nặng của ngành Y tế nước ta. Trong thời kỳ đẩy mạnh công công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nội dung y đức về cơ bản không thay đổi. Tuy vậy, người thầy thuốc hiện nay đứng trước cơ chế mới phải đấu tranh để giữ vững bản chất nghề nghiệp, bảo vệ sự trong sáng của y đức. Trước những cám dỗ của đồng tiền, trước một đối tượng phục vụ đủ mọi thành phần giai cấp, đủ mọi tầng lớp của xã hội, với mạng lưới y tế Nhà nước và mạng lưới y tế tư nhân song song tồn tại, y đức thực sự đứng trước những thách thức.
Ngành Y tế và người cán bộ y tế phải làm gì để không phân biệt đối xử trước đối tượng bệnh nhân cả giàu lẫn nghèo, người có quyền lực và người dân thường? Tâm lý xã hội cũng có sự thay đổi. Đó là tâm lý những người bỏ tiền đi chữa bệnh, thích thuốc mới, thuốc khó kiếm, tin vào thầy cho đơn thuốc đắt tiền và lấy tiền công đắt và tâm lý muốn giải quyết mọi vấn đề thật nhanh mà không phải chờ đợi thông qua đồng tiền. Tâm lý này đã ảnh hưởng cả đến lớp cán bộ nghèo, người dân nghèo. Nhiều bệnh nhân và gia đình hoàn cảnh khó khăn, do chịu ảnh hưởng của những suy nghĩ trên nên xoay xở, chạy tiền chữa bệnh, lâm vào cảnh khó khăn. Chính vì vậy, đối với mọi người bệnh, y đức đòi hỏi người thầy thuốc phải giữ bản lĩnh của mình, nhìn thẳng vào căn bệnh, vào thể trạng bệnh nhân mà điều trị, không phân biệt giàu, nghèo để có sự quan tâm hơn, kém. Nói chung, không có loại thuốc, loại xét nghiệm nào dùng riêng cho người giàu sang, loại thuốc và xét nghiệm nào dành riêng cho người nghèo khó. Tuy nhiên, cũng không buộc phải bình quân. Tùy theo hoàn cảnh và điều kiện về ngân sách và thuốc men, người thầy thuốc sẽ dùng sao cho hợp lý với khả năng và đối tượng. Người cán bộ và nhân viên ở cơ sở điều trị còn phải đấu tranh với hiện tượng thu “phí ngầm” với mọi khâu phục vụ (từ tiêm chích đến thay áo, quần…), thiếu nhiệt tình trong khám, chữa bệnh vì không có tiền bồi dưỡng thêm hoặc làm việc qua quýt trong giờ để kéo người bệnh về phòng mạch ngoài giờ, hay thiếu trung thực trong kê đơn, kê nhiều thuốc đắt tiền rồi móc ngoặc với của hàng thuốc để nhận tiền hoa hồng…
Với y tế tư nhân, y đức cũng phải được coi trọng. Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân. Do đó, hiện nay y tế tư nhân hành nghề song song với y tế nhà nước. Điều này tạo thêm thuận lợi cho người dân được khám chữa bệnh, đỡ phải chờ đợi và đi xa, cũng là để góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị. Lương tâm thầy thuốc và nền kinh tế thị trường, đã thúc đẩy người thầy thuốc tư chăm sóc tốt người bệnh, không ngừng nâng cao trình độ khám, chữa bệnh, có được nhiều tín nhiệm và giữ được mối quan hệ gắn bó với người bệnh. Thực tế đã có không ít thầy thuốc tư trở nên gần gũi với bệnh nhân như người thân, hết lòng chăm sóc họ, thông cảm với những người bệnh nghèo. Nhưng bên cạnh mặt được vừa nêu, y tế tư nhân cũng có những mặt trái, mặt tiêu cực, vi phạm tiêu chuẩn nghề nghiệp và y đức như kê đơn quá mức cần thiết, bán thuốc với giá cao, kéo dài thời gian điều trị (mà dân gian hay mỉa mai là bác sĩ … “nuôi bệnh”) gây khó khăn và tốn kém cho người bệnh. Vì vậy, thầy thuốc tư cần luôn cảnh giác để giữ cho y đức của mình được trong sáng. Cần nhận rõ là giữa họ với người bệnh không chỉ là quan hệ giữa thầy thuốc với bệnh nhân mà còn là quan hệ giữa người bỏ công lao động và người trả công lao động. Người thầy thuốc tư nhân nhận tiền công khám, chữa bệnh từ người bệnh là đúng, hợp pháp, không vi phạm đạo đức. Vấn đề là ở chỗ đánh giá công lao bỏ ra như thế nào để giữ được y đức và tính giá trị lao động bỏ ra đối với người nghèo, người thuộc diện chính sách như thế nào?
Y tế trên đường hiện đại hóa, ngày càng được ứng dụng nhiều thành tựu khoa học, công nghệ mới vào phục vụ nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị. Cố gắng dùng máy móc để cứu chữa người bệnh, đó cũng là y đức. Nhưng người thầy thuốc có y đức không bao giờ ỷ lại hoàn toàn vào máy móc mà coi nhẹ việc trực tiếp khám bệnh và thăm hỏi bệnh nhân. Vì máy móc dù tinh vi đến đâu cũng không thay thế được người thầy thuốc. Kể cả khi có đủ phương tiện theo dõi người bệnh từ xa, nhưng nếu họ nằm trơ trọi một mình thì cũng là thiếu y đức. Người bệnh có nhu cầu được tiếp xúc, không những lợi cho việc theo dõi bệnh mà còn lợi cho cả tinh thần bệnh nhân. Người y tá lặng lẽ vào buồng bệnh tiêm cho bệnh nhân, rút kim ra rồi đi thẳng, chẳng một lời hỏi han, như vậy chưa thể nói là “Thầy thuốc như mẹ hiền” được.
Trong khám, chữa bệnh, y đức đang đòi hỏi những người cán bộ quản lý ngành phải đi sâu vào thực tiễn khá phức tạp hiện nay để làm tốt hơn việc tổ chức mạng lưới điều trị từ trung ương đến cơ sở, với cán bộ nhân viên và những trang bị cần thiết, hợp lý, thuận tiện, đạt hiệu quả đối với người bệnh và nhân dân. Cần thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách bảo hiểm y tế, miễn giảm viện phí đối với các đối tượng chính sách và người nghèo cũng như các chế độ chính sách đối với cán bộ, nhân viên y tế. Trong lúc chính sách lương của cán bộ y tế chưa được giải quyết thỏa đáng, việc tổ chức dịch vụ và tạo điều kiện cho thầy thuốc làm thêm để tăng thu nhập, cải thiện đời sống là hết sức cần thiết, nhưng cũng cần phải quan tâm đến vấn đề y đức và lĩnh vực hành nghề y dược tư nhân cũng cần được quản lý chặt chẽ.
Trong sản xuất và phân phối thuốc, y đức cũng có những đòi hỏi bức thiết không thể xem nhẹ. Vấn đề đặt ra là cần có đủ thuốc sản xuất ở trong nước, kể cả biệt dược, giá rẻ hơn so với thuốc nhập khẩu, với mạng lưới phân phối tận xã, phường và những cán bộ, nhân viên tận tình, chân thật quan tâm đến chất lượng, hiệu quả của thuốc, đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh của nhân dân. Đáp ứng yêu cầu này đòi hỏi phải đề cao y đức. Đồng thời phải đấu tranh khắc phục mọi hiện tượng tiêu cực, chỉ biết đến lợi nhuận mà coi thường chất lượng, coi thường hiệu quả, coi thường nguyện vọng và lợi ích của người bệnh. Việc cho nhập khẩu tràn lan một số thuốc, nhất là biệt dược giá cao gấp một, hai chục lần những thứ thuốc mà trong nước đã sản xuất được có đủ khả năng phân phối là một việc làm vi phạm y đức.
Tư tưởng “Thầy thuốc như mẹ hiền” được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên và khẳng định nhiều lần ngay trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp. Từ đó đến nay, ngành Y tế nước nhà, những chiến sĩ áo trắng nhất quán trong việc học tập, vận dụng lời căn dặn của Người. Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức đang soi đường và chắp cánh cho đội ngũ cán bộ y tế nước ta vượt qua mọi khó khăn và thử thách, nắm vững vận hội, vượt qua thách thức, góp phần đưa nước ta tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh…
Nghề Y là một nghề cao quý, được xã hội tôn vinh, những người thầy thuốc phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức mới thực hiện được lời dạy của Bác. Đối với cán bộ y tế cả nước nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng, tư tưởng của Bác về y đức vừa là hệ thống lý luận gắn liền với thực tiễn dễ đi vào lòng người, rất dễ nhớ, dễ làm đồng thời còn là những lời dạy bảo thân thương, chân tình mà mỗi người đều thấm nhuần. Vì vậy, trong thời kỳ kinh tế thị trường như hiện nay, mỗi cán bộ y tế cần phải nghiên cứu vận dụng y đức vào từng vị trí công tác của mình để tạo điều kiện hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, đó chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với nghề nghiệp, thực hiện lời dạy bảo đồng thời cũng là mệnh lệnh thiêng liêng xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng tôn kính đối với Bác Hồ, vị Cha già muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam./.