Ngày 25/9/2024, TS.BS.Nguyễn Duy Tân- Trưởng khoa Ngoại Tim mạch-Lồng ngực (BV Thống Nhất) cho biết, tình trạng lão hóa động mạch ở người cao tuổi gây tắc nghẽn động mạch chủ dưới đang ở mức báo động. Điều đáng nói là đa số người mắc ngộ nhận mình bị bệnh cơ xương khớp, điều này cũng khiến bác sĩ dễ bỏ sót bệnh khi thăm khám, chẩn đoán.
Cách đây 45 ngày, ông Nguyễn Văn Thu (60 tuổi, trú huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đột nhiên thấy chân trái đau mỏi, khó chịu. Tưởng mình làm lụng nhiều quá nên người mỏi mệt, ông Thu hy vọng ít hôm nữa cơ thể tự khỏi. Ai ngờ, tình trạng này kéo dài gần 20 ngày. Tới ngày thứ 21, ông Thu thấy ngón chân út bắt đều đổi màu đen và tê buốt, dần mất cảm giác. Quá hoảng sợ, ông Thu tới TTYT huyện để thăm khám. Tại đây, qua thăm khám với siêu âm, bác sĩ nói ông bị nghẽn mạch phải chuyển tới BV lớn để mổ gấp. Nghe vậy, ông Thu quyết định tới BV Thống Nhất ở TP.HCM, vì bản thân ông là cựu binh chiến trường K, có chế độ BHYT với mức hưởng 100%.
Tại BV Thống Nhất, các bác sĩ khoa Ngoại Tim mạch-Lồng ngực ghi nhận ông Thu bị nghẽn động mạch chủ bụng và tắc động mạch chậu trái hoàn toàn. Vậy là các bác sĩ sử dụng phương pháp can thiệp nội mạch để giúp ông Thu đặt 3 Stent để tái tưới máu chi dưới trái. Chỉ trong vòng 6 giờ, ca can thiệp hoàn tất và để lại sẹo là 1 lỗ kim nơi bẹn trái. Cả quá trình can thiệp ông Thu còn trò chuyện với bác sĩ trưởng khoa, vì chỉ cần gây tê tại chỗ là đủ. Sau ông Thu, khoa Ngoại tim mạch-lồng ngực BV Thống Nhất liên tiếp nhận 2 ca khác với bệnh lý tương tự (hai bệnh nhân nam 69 tuổi và 70 tuổi) và đều can thiệp thành công.
Theo TS.BS.Nguyễn Duy Tân, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) thường bị xơ vữa và thoái hóa động mạch, nói gọn là lão hóa mạch máu. Vì vậy, càng cao tuổi thì nguy cơ nghẽn mạch, tắc mạch, vỡ túi phình mạch máu… càng cao. Mặc dù chưa có số liệu chính xác tại Việt Nam, nhưng ước tính tới 50% người cao tuổi mắc bệnh lý về mạch máu có thể gây nguy hiểm tính mạng. BS. Duy Tân giải thích cách dễ hiểu rằng, giống như dòng sông lớn đưa nước tới các kênh rạch tưới mát ruộng đồng, động mạch chủ bụng đưa máu nuôi hai chi dưới và các cơ quan trong cơ thể thuộc “hạ lưu”.
Vì vậy, nghẽn động mạch chủ bụng gây thiếu máu, tắc mạch gây cạn máu… đều khiến toàn bộ vùng “hạ lưu” chết dần chết mòn. “Điều đáng nói là, các biểu hiện của nghẽn mạch hay tắc mạch dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý cơ xương khớp, bệnh lý chấn thương chỉnh hình, bệnh lý thần kinh…, nên dễ bị bỏ sót. Thực ra, để sàng lọc hiệu quả bệnh lý mạch máu nơi người cao tuổi, chỉ cần siêu âm là đủ…”- chuyên gia chia sẻ.
Bàn thêm về vấn đề lão hóa mạch máu, chuyên gia nói đây là tiến trình không thể thay đổi mà chỉ có thể làm chậm mà thôi. Để làm chậm tiến trình này, nói cách khác là dự phòng bệnh tắc, nghẽn mạch máu nơi người cao tuổi, chuyên gia khuyên phải kiểm soát hiệu quả nhất chất lượng máu (mỡ máu, đường máu, cholesterol, acid Uric…) theo chỉ định của bác sĩ (thăm khám định kỳ có xét nghiệm, uống thuốc…). Ngoài ra, tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh (ráng hạn chế rượu bia, thuốc lá) sẽ giúp mạch máu lão hóa chậm hơn rất nhiều.
Liên quan tới vấn đề điều trị, chuyên gia nói thêm rằng, trong 30 năm trở lại đây thế giới đã lựa chọn can thiệp nội mạch thay thế mổ hở trong xử trí các tình huống tắc, nghẽn mạch máu. Ở Việt Nam thì trong vòng 10 năm trở lại đây, can thiệp nội mạch đã thay thế mổ hở trong xử trí bệnh lý mạch máu. Đây là giải pháp tối ưu nhất hiện nay, giúp bệnh nhân hạn chế rủi ro phẫu thuật và thời gian nằm viện ngắn hơn. Viện phí thì Quỹ BHYT chi trả khá nhiều cho ca thiệp nội mạch.
Được biết, với bệnh nhân Nguyễn Văn Thu, ca can thiệp với 3 Stent có tổng chi phí gần 400 triệu đồng. Bệnh nhân Thu cho biết, sau khi được Quỹ BHYT chi trả, phần đồng chi trả mà ông Thu phải “móc hầu bao” hơn 150 triệu đồng. “Tính ra, BHYT đã chi trả số tiền khá lớn, nhờ vậy mà tôi mới nhẹ gánh tiền bạc sau khi được các bác sĩ xử trí dứt điểm bệnh tình…”- ông Thu chia sẻ.