Tư tưởng Hồ Chí Minh bao chứa nhiều lĩnh vực rộng lớn và phong phú, trong đó có quan điểm về chǎm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác chǎm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân, bởi vì, theo Người đây là nguồn lực quan trọng của đất nước. Ngay từ tháng 3-1946, sau khi nước nhà giành được độc lập, chính quyền non trẻ phải đương đầu với bao nhiêu khó khǎn, thử thách, giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm hoành hành, vận nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quan tâm đến sức khoẻ của nhân dân. Người đã viết bài cho báo ” Cứu quốc ” nói rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân.
Trong việc chǎm sóc, bảo vệ sức khoẻ của dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ y tế và về y đức. Trong các bài viết, bài nói về y tế, rất nhiều lần Người cǎn dặn người cán bộ y tế: “lương y kiêm từ mẫu”, nghĩa là thầy thuốc đồng thời phải là người mẹ hiền. Lời cǎn dặn chí tình và sâu sắc đó cũng chính là quan điểm của Người về ngành y tế nói chung, về phẩm chất và y đức của người làm công tác y tế nói riêng. Cho đến nay lời cǎn dặn của Người vẫn là phương châm hành động và kim chỉ nam của ngành y tế Việt Nam ta.
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ y tế không chỉ giỏi về chuyên môn, mà phải vững vàng về chính trị, yêu dân, yêu nước, đoàn kết nội bộ.
Trong nhiều bài nói, bài viết và thư từ, Người yêu cầu cán bộ y tế phải giỏi về chuyên môn. Muốn giỏi chuyên môn phải luôn luôn học tập, nghiên cứu tìm tòi, sáng tạo trong nghề nghiệp và phải yêu nghề; phải chú trọng cái gì thiết thực, thích hợp với hoàn cảnh của nước ta mà đem ra áp dụng, tránh máy móc, rập khuôn. Cụ thể là phải biết tìm và chế được nhiều thuốc hay, những thứ thuốc mà nước ta có sẵn nguyên liệu, tìm ra cách chữa bệnh cho chóng khỏi, mà tốn ít thuốc, ít tiền, đồng thời phải coi trọng việc tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh trong nhân dân. Trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo và chiến tranh liên tục, Người yêu cầu cán bộ y tế phải biết kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, kết hợp đông y với tây y. Người nói: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc. Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc “Đông” và thuốc “Tây”. Trong “thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc nǎm 1953, Người chỉ rõ: người cán bộ y tế giỏi còn phải biết tổ chức công việc, biết chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy, làm cho nó gọn gàng, hợp lý, làm việc phải có kế hoạch và thiết thực, có nǎng suất, chất lượng và hiệu quả, có ích cho dân, cho nước, làm sao cho ít tốn tiền của Nhà nước và của nhân dân.
Người cán bộ y tế giỏi về chuyên môn đồng thời phải là người vững vàng về chính trị, yêu dân, yêu nước.
Trong thư gửi Hội nghị quân y nǎm 1948, thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc nǎm 1953 và nǎm 1955, Người đều phân tích rõ ràng, trong hoàn cảnh vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, đội ngũ cán bộ y tế rất hiếm, nên ngành y tế được đặc biệt xem trọng, nhưng không vì thế mà tự mãn, ỷ lại, mà phải hết sức nǎng động, phải lưu động trong việc chữa chạy bệnh tật và lo thuốc men cho nhân dân và quân đội, phải cố gắng thoả mãn nhu cầu của nhân dân. Người còn yêu cầu cán bộ y tế từ cấp trên đến cấp dưới “phải lấy việc đó làm trách nhiệm và danh dự của mình”. Trước đây nước ta bị nô lệ thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm, nay đất nước đã được độc lập, tự do, cán bộ y tế cần giúp nhân dân, giúp Chính phủ xây dựng một nền y học thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Theo Người, đó là nền y học dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng, tất cả nhằm phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Để làm được việc đó, Người khuyên cán bộ y tế: “Cần trau dồi tư tưởng và đạo đức của người cán bộ trong chế độ dân chủ: yêu nước, yêu dân, yêu nghề, đoàn kết nội bộ, thi đua học tập, thi đua công tác”. Riêng về công tác cán bộ y tế, Người cǎn dặn, cần lựa chọn và đào tạo nhiều cán bộ mới trong thanh niên, dạy cho họ những công tác cần thiết trong việc phục vụ chữa bệnh cho nhân dân.
Giỏi về chuyên môn, vững vàng về chính trị, Người còn rất quan tâm đến vấn đề đoàn kết. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế nǎm 1955, Người viết: ” Trước hết là phải thật thà đoàn kết – đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khǎn, giành được nhiều thành tích”. Trong thư khen cán bộ và nhân viên quân y viện nǎm 1967, Người lại nhắc nhở: “Đoàn kết chặt chẽ, nêu cao tinh thần tập thể, thi đua học tập và công tác để tiến bộ không ngừng về chính trị, tư tưởng, về chuyên môn kỹ thuật”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến y đức của người cán bộ y tế. Rất nhiều lần Người cǎn dặn “phải thương yêu người bệnh”, “phải tận tâm tận lực phục vụ nhân dân”. Do bị bệnh tật dày vò, người bệnh thường đau đớn, lo lắng, nhiều khi không kìm chế được, dễ gây cho thầy thuốc khó chịu. Nhưng không vì thế mà thầy thuốc tỏ ra bực tức, quát nạt, hoặc phó mặc bệnh nhân, mà phải hết sức bình tĩnh, nhã nhặn, phải lấy tình thương yêu mà chữa chạy cho họ, phải “nâng đỡ về mặt tinh thần cho người ốm yếu”. Nǎm 1948, trong thư gửi cho Hội nghị quân y, Người đã nói: “Vì sự kích thích trong chiến trận, vì sự sinh hoạt khắc khổ trong quân đội, vì sự tu dưỡng chưa đầy đủ, hoặc vì những điều kiện khổ sở, một số anh em quân nhân không được trấn tĩnh, đối với thầy thuốc không được nhã nhặn. Gặp những ca như vậy, chúng ta nên lấy lòng nhân loại và tình thân ái mà cảm động cảm hoá họ”. Người còn huấn thị cho đội ngũ cán bộ y tế giữ vững y đức, rằng người bệnh phó thác tính mệnh cho thầy thuốc, Nhà nước phó thác cho thầy thuốc nhiệm vụ chữa bệnh và giữ gìn sức khoẻ cho nhân dân. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, thầy thuốc phải chǎm sóc người bệnh như anh em ruột thịt, và họ đau đớn như mình đau đớn. Lời cǎn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức thật ý nghĩa và sâu sắc.
Trong công cuộc đổi mới hiện nay, hơn bao giờ hết quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người cán bộ y tế và về y đức cần được quán triệt sâu sắc trong đội ngũ những người làm công tác y tế và trong toàn dân để biến thành hành động thiết thực nhằm xây dựng nền y học nước nhà vững mạnh, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.