Tìm kiếm
Close this search box.

Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về số ca ghép tạng mỗi năm

Mục lục

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – nguyên bộ trưởng Bộ Y tế, chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô tạng Việt Nam – cho biết Việt Nam đang đứng đầu các nước Đông Nam Á về ghép tạng với hơn 1.000 ca mỗi năm.

base64 1730519613680102809113
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên bộ trưởng Bộ Y tế, chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô tạng Việt Nam, phát biểu tại hội nghị – Ảnh: P.T.

Ngày 2-11, Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM đã tổ chức Hội nghị lão khoa mở rộng lần thứ 8.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – nguyên bộ trưởng Bộ Y tế, chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô tạng Việt Nam – cho biết hiện Việt Nam đang đứng đầu các nước Đông Nam Á về ghép tạng (trên 1.000 ca mỗi năm), chúng ta đã làm chủ hết các kỹ thuật ghép tạng.

“Trong năm 2024, tại Việt Nam, nguồn tạng từ người chết não đã tăng gấp đôi. Ngành y tế Việt Nam đang nỗ lực tăng số lượng hiến tạng từ người chết não bằng nhiều cách khác nhau.

Trong đó, thành lập các chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người ở các bệnh viện là yếu tố quan trọng”, PGS Kim Tiến nói.

Ông Đồng Văn Hệ – giám đốc Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia – chia sẻ thêm, tính đến thời điểm hiện nay cả nước đã có 29 bệnh viện có thể ghép tạng, mỗi năm ghép trên 1.000 ca, đứng đầu các nước Đông Nam Á.

Đến năm 2024, đã có 10% tạng hiến từ người chết não. Thế nhưng tỉ lệ này vẫn còn rất thấp, ngành y còn ít quan tâm đến việc hiến mô tạng từ người chết não. Tỉ lệ bác sĩ, điều dưỡng hiểu đúng việc hiến mô tạng từ người chết não chỉ hơn 10%.

ghep than bv thong nhat 17305196428451737041339
Các bác sĩ Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM đang tham gia ca ghép thận đầu tiên tại bệnh viện vào tháng 5-2022 – Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo ông Hệ, trên thế giới người hiến giác mạc cao tuổi nhất là 107 tuổi, còn người hiến tạng lớn tuổi nhất là 92 tuổi.

Riêng năm 2023, tại Mỹ có đến 40% người hiến tạng là trên 50 tuổi. Còn tại thế giới, cứ 4 người được ghép tạng thì có 1 người 65 tuổi. Do đó tuổi cao vẫn có thể tham gia hiến tạng và ghép tạng.

Ông Hệ cho rằng ghép tạng từ người chết cần sự phối hợp từ nhiều bệnh viện, cơ sở y tế mới có thể làm được, vì vậy cần phải có mạng lưới và hệ thống, nhiều bệnh viện cùng chung tay.

Hiện nay nguồn tạng từ chết não vẫn còn hạn chế. Năm 2023, có đến 94% nguồn tạng hiến từ người sống, người chết não chỉ khoảng 6%, trong khi quốc tế là 50-90%.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến lấy ví dụ, trên thế giới cao nhất là Tây Ban Nha với 50 người hiến tạng chết não trên 1 triệu dân cứu sống rất nhiều người, hay như tại Hoa Kỳ người hiến tạng đã cứu sống thành công 42.000 người mỗi năm.

Bệnh viện Thống Nhất triển khai thêm kỹ thuật ghép gan

PGS Lê Đình Thanh – giám đốc Bệnh viện Thống Nhất cho biết trong những năm gần đây, bệnh viện đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực khoa học và phát triển kỹ thuật y tế.

Với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất đã thực hiện thành công nhiều ca ghép thận (15 ca), giúp mang lại hy vọng mới cho nhiều bệnh nhân.

“Chúng tôi đang chuẩn bị cho kỹ thuật ghép gan, dưới sự ủng hộ và hỗ trợ chuyển giao từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108”, PGS Thanh cho hay.

Cùng ngày, Bệnh viện Thống Nhất cũng đã ra mắt Chi hội Vận động hiến mô tạng, một sáng kiến quan trọng trong việc phát triển hoạt động ghép tạng, mở ra nhiều cơ hội cứu sống cho các bệnh nhân đang cần sự giúp đỡ.