Bệnh lý bàn chân do Đái tháo đường (ĐTĐ) chưa bao giờ là một bệnh lý đơn giản ở bệnh nhân bị ĐTĐ lâu năm, Chỉ cần một vết xước nhỏ cũng có thể gây ra nguy cơ hoại tử chi dưới và có thể phải cắt bỏ một phần của cơ thể (nơi bị hoại tử, nhiễm trùng). Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Nương – SN 1988 quê quán: xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh.
BN có tiền sử ĐTĐ hơn 10 năm và đang tiêm insulin theo chỉ định của bác sĩ, khi phát hiện những vết mụn nước nhỏ ở chân chị Nương cũng đã cẩn thận vệ sinh nhưng đến khi vết mụn nước vỡ ra, lở loét, chảy dịch vàng và tình hình ngày càng nghiêm trọng chị Nương đã đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh thăm khám và được chuyển tuyến lên BV. Thống Nhất tiếp tục điều trị.
Được Khoa Nội tiết thông báo về trường hợp khó khăn cần sự hỗ trợ, đại diện Phòng QLCL & CTXH đã đến thăm hỏi thì nhìn thấy hình ảnh chị Nương loay hoay tự chăm sóc bản thân, khi hỏi đến người nhà, chị Nương rơm rớm nước mắt nói: “Chị ở đây có một mình à, chồng chị phải về quê để đi nhổ củ mì thuê cho người ta kiếm tiền đóng viện phí đó em, chứ chị bệnh như vậy không biết phải điều trị đến khi nào nữa”. Khi được hỏi tiếp về những công việc vệ sinh cá nhân hàng ngày phải làm sao thì chị cũng cười và đáp: “Mấy anh chị nuôi bệnh chung ở đây dễ thương lắm em, các bác sĩ hay điều dưỡng cũng vậy, họ thấy chị có một mình nên cơm nước hay đi vệ sinh họ cũng sẵn lòng đỡ đần chị hết à”.
Gia đình chị Nương thuộc hộ cận nghèo của địa phương, thu nhập hàng tháng khoảng 4-5 triệu đồng chủ yếu nhờ vào công việc làm thuê làm mướn của anh Đạt (chồng chị Nương). Con trai lớn của chị sinh năm 2009 đã nghỉ học để đi làm phụ giúp gia đình, công việc chủ yếu cũng là đi nhổ cỏ, nhổ mì, khuân vác.. ai thuê gì làm đó, phụ giúp ba mẹ nuôi em đi học. chị Nương chia sẻ: “Con gái nhỏ của chị sinh năm 2012 mấy hôm nay cứ gọi điện đòi mẹ cho nghỉ học, vì thấy mẹ bệnh và hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên con bé nó không chịu đi học, chị phải động viên mãi mà con bé vẫn không nghe, cứ nhất định đòi nghỉ học”.
Bệnh nhân bị nhiễm trùng vết thương, bàn chân trái do biến chứng của ĐTĐ khả năng có thể phải cắt bỏ toàn bộ bàn chân trái. Thật sự khi tiếp xúc với những ca bệnh nặng hoặc phải đoạn chi ở tuổi đời còn quá trẻ, chúng tôi những người thực hiện bài viết hết sức đau lòng và luôn nghĩ mọi cách hỗ trợ với khoa và bác sĩ để có thể điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Chị Nương đã điều trị ở BV đến nay đã gần 01 tháng đã được bác sĩ can thiệt đặt VAC (mục đích để kích thích tạo mô hạt, cho vết thương mau lành) nhưng tình hình vết thương vẫn không mấy khả quan, mọi chi phí trong gia đình đều đổ dồn vào đôi vai của chồng và cậu con trai lớn nhưng thật sự cũng không đủ vào đâu.
XIN LƯU Ý: việc hỗ trợ người bệnh khó khăn điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất chỉ thông qua tài khoản nêu trên hoặc liên hệ trực tiếp với tại phòng QLCL & CTXH (TĐ.CSKH: 1900234547) để được hướng dẫn và thăm người bệnh, không hỗ trợ thông qua bên thứ 3 nào khác (Thông tin cá nhân đã được chị Nương và gia đình đồng ý cho sử dụng).
Phòng QLCL & CTXH kính mong quý cô/bác/anh/chị bạn đọc cùng nhau chung tay giúp đỡ cho hoàn cảnh Chị Nguyễn Thị Nương có đủ chi phí để điều trị, chống chọi với bệnh tật lúc này.
Mọi đóng góp của cá nhân & tổ chức giúp đỡ cho BN:
– Chủ tài khoản: Bệnh viện Thống Nhất- stk: 1013624637-Ngân hàng: Vietcombank Chi nhánh Tân Bình.
– Ghi rõ nội dung: Tên người gửi – NGUYEN THI NUONG – 24934215 – KHOA NOI TIET hoặc liên hệ Phòng Quản lý chất lượng và Công tác xã hội – Lầu 1 Tòa nhà trung tâm.
BỆNH VIỆN THỐNG NHẤT
1 Lý Thường Kiệt, P. 7, Q. Tân Bình, TP. HCM
Điện thoại: 028 3864 2142 – 1900 2345 47 (TĐ CSKH)